Thực tế, tử tế và tinh tế

Hiện có khoảng 50 chương trình truyền hình thực tế, phát trên nhiều kênh, đài truyền hình từ trung ương đến địa phương. Hầu hết các chương trình này đều mua bản quyền từ nước ngoài, với yêu cầu nghiêm ngặt về chi tiết, nên có nhiều nội dung, hình thức không phù hợp với người Việt Nam.

Hiện có khoảng 50 chương trình truyền hình thực tế, phát trên nhiều kênh, đài truyền hình từ trung ương đến địa phương. Hầu hết các chương trình này đều mua bản quyền từ nước ngoài, với yêu cầu nghiêm ngặt về chi tiết, nên có nhiều nội dung, hình thức không phù hợp với người Việt Nam.

 Một số chương trình có giải thưởng cao đã thu hút nhiều người tham gia, tạo sự quan tâm của khá nhiều người. Nhiều chương trình chiếm khung giờ phát sóng đẹp (“giờ vàng”) nên có rất đông người xem, nếu có nội dung, hình ảnh không đẹp thì cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiều người.

Đáng tiếc là trong thời gian qua, một số chương trình truyền hình thực tế đã bị dư luận phản đối gay gắt do có những chuyện đáng phàn nàn: “The Voice” bị cho là dàn xếp kết quả; có thí sinh trong “Người giấu mặt” cởi gần hết quần áo cho… nhẹ ký; có thí sinh tham gia “Vietnam’s got talent” “uống nhầm acid”; có thí sinh của game show “Cười là thua” chọc cười phản cảm; “Ơn giời cậu đây rồi” cũng có những ứng xử chưa thực sự phù hợp; trong “Điều ước thứ bảy” có “cặp vợ chồng” như trong chuyện cổ tích hóa ra là một màn gian dối… Do dễ dãi, thiếu kiểm chứng, thẩm định, nên đưa những thông tin sai sự thật, gây thiệt hại cho nhiều người liên quan, ít nhiều gây mất lòng tin của người xem đối với các chương trình truyền hình thực tế nói chung. Ngoài ra, trong nhiều chương trình có lời nói, hình ảnh, hành động chưa đẹp, thậm chí có phần dung tục, không phù hợp với nhiều đối tượng khán giả, nhất là trẻ em. Những điều này đã từng được góp ý nhưng không thấy cải thiện, khắc phục mà có dấu hiệu trầm trọng hơn.

Có thể thấy các chương trình truyền hình thực tế ít nhiều góp phần vào việc tạo sự phong phú của các đài truyền hình, đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân. Tuy nhiên, bản thân các chương trình này nặng về giải trí và chưa chú trọng tính giáo dục. Trong khi toàn xã hội vận động “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, các đài truyền hình được yêu cầu dành nhiều thời gian cho các chương trình (nhất là phim ảnh) của Việt Nam, thì các chương trình truyền hình thực tế lại mang cách nghĩ, cách sống, cách giải trí của người nước ngoài áp dụng cho người Việt Nam nhiều khi khiên cưỡng và thiếu hợp lý. Một số chương trình có tiền thưởng lớn có thể gây ra ngộ nhận về giá trị cuộc sống, về ý nghĩa của sự cố gắng; chẳng hạn trong một số chương trình tìm kiếm tài năng, có thí sinh thực hiện những hành động rất nguy hiểm, khuyến khích các thanh niên về một lối sống mới có phần lệch chuẩn. Một số chương trình quá nặng tính thương mại khi dùng nhiều biện pháp quảng bá, thậm chí tạo scandal để gây tiếng vang.

Mong sao các chương trình truyền hình thực tế bảo đảm 3 chữ “tế”: thực tế, tử tế và tinh tế. Thực tế tức bảo đảm sự khách quan như đúng diễn tiến của sự việc, không được sắp đặt, dàn dựng quá mức, lộ liễu. Tử tế phải đảm bảo trung thực, chính xác, có tính giáo dục, thẩm mỹ cao, không trái thuần phong mỹ tục, kích động bạo lực hay bất cứ lối sống, cách nghĩ nào đó không phù hợp. Tinh tế là phải khéo léo, ý nhị, có khả năng động viên, khuyến khích những suy nghĩ và hành động tích cực.

Thiết nghĩ, các đài truyền hình cần loại bỏ những chương trình thiếu tính nhân văn, tính giáo dục, tính thẩm mỹ, chỉ giữ lại và phát triển những chương trình có ý nghĩa thực tế, có tác dụng tích cực đối với xã hội. Để các chương trình truyền hình thực tế hay, bổ ích, những người thực hiện các chương trình này phải thực sự “tử tế” và “tinh tế”!

TRỊNH MINH GIANG (Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục