Thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính - Trên “cắt”, dưới chờ

Thiếu công khai, hướng dẫn

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân vừa ký ban hành 18 quyết định sửa đổi, thay thế, bãi bỏ 191/197 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền  áp dụng tại các sở ban ngành và UBND các quận huyện, phường-xã-thị trấn trên địa bàn. Đây là tiến trình thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC mà TP cam kết thực hiện theo Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc thực thi các quyết định trên tại nhiều cơ quan hành chính vẫn đang… chờ, thậm chí có nơi còn “vẽ” thêm TTHC để hành dân.

Thiếu công khai, hướng dẫn

Mặc dù các quyết định thực thi phương án đơn giản hóa TTHC được ban hành nhiều tháng nay, song hầu hết các cơ quan hành chính đều không niêm yết công khai để người dân biết và giám sát.

Tại Tổ tiếp nhận và trả kết quả Văn phòng UBND quận Bình Thạnh, nơi niêm yết TTHC chỉ dán Quyết định 54/2007 của UBND TPHCM về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận nhà đất đã nhàu nát, bụi bám đầy. Phía sau các nhân viên tiếp nhận hồ sơ là tấm bảng điện tử liên tục chạy những hàng chữ hướng dẫn TTHC. Khi tôi yêu cầu được cung cấp thông tin trên bảng điện tử vì các dòng chữ chạy lên xuống rất khó đọc, một nữ nhân viên quầy số 2 khó chịu: “Đến quầy số 7 mà hỏi”.

Đến quầy số 7, tôi vừa lên tiếng hỏi thủ tục hợp thức hóa nhà, nhân viên tên Nguyễn Trọng Bằng nạt nộ: “Nhà của anh thế nào mới trả lời được chứ. Ra đằng kia mà đọc hướng dẫn”. Thấy người phụ nữ đứng cạnh trên tay cầm xấp hồ sơ, tôi hỏi: “Chị đi mấy lần rồi mà vẫn bị trả”. “10 lần rồi”. “Chị nói cho đàng hoàng, hồ sơ của chị không đủ mới trả lại chứ” – người nhân viên tên Bằng phía sau quầy đáp trả.

Đến UBND phường 7 quận Bình Thạnh, vừa bước vào quầy tiếp nhận hồ sơ, tôi đã chứng kiến cảnh tranh cãi nảy lửa giữa người đàn ông ngồi trên xe lăn với một nhân viên phía sau quầy. Câu chuyện xoay quanh tờ giấy hẹn nhận kết quả ghi nơi nhận là UBND phường, còn người nhân viên (không đeo bảng tên) một mực chỉ người đàn ông lên quận, ở đây không giải quyết.

Đưa tôi xem tờ biên nhận hẹn ngày 6-10-2010 đến nhận kết quả, người đàn ông ấm ức nói: “Đã 5 tháng nay vợ chồng tôi đi lại khắp nơi mà vẫn chưa nhận được giấy nhà. Không ai trả lời cho tôi còn thiếu giấy gì, bao giờ thì có, mặc dù biên nhận ghi rõ ngày đến phường nhận kết quả”. Thấy chuyện vô lý, tôi tìm gặp lãnh đạo phường để nắm sự việc.

Mặc dù đã xuất trình thẻ nhà báo, song Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Văn Tồn vẫn đòi phải có giấy giới thiệu mới tiếp. Mặt khác, ông Tồn nói không được chủ tịch UBND phường ủy quyền tiếp nhà báo nên không có trách nhiệm trả lời vụ việc này(!?).

Tại UBND phường 6, phường 13 (quận Bình Thạnh), Tổ tiếp nhận và trả kết quả UBND quận 1 và quận 3, không một quyết định thực thi phương án đơn giản hóa TTHC nào của Chủ tịch UBND TP được niêm yết và cũng không có cán bộ nào hướng dẫn để người dân biết và thực hiện. Do vậy, nhiều người dân đi làm giấy tờ nhà đất, xây dựng, tư pháp… đều thực hiện theo các thủ tục và mẫu hồ sơ cũ vừa mất thời gian đi lại, vừa tốn kém chi phí in ấn, sao lục.

Có nơi như ở Phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh, khi hỏi thủ tục xin phép xây dựng, người cán bộ tên Đức hẹn 2 ngày nữa đến vì “chúng tôi không phải lúc nào cũng rảnh để tiếp anh (!?)”.

Chờ và áp dụng như cũ

Đó là thực tế tại nhiều cơ quan hành chính khi triển khai các quyết định thực thi phương án đơn giản hóa TTHC. Trong hướng dẫn bãi bỏ 18 TTHC áp dụng tại UBND quận huyện theo Quyết định 65/2010/QĐ-UBND ngày 8-9-2010 của Chủ tịch UBND TP, các thủ tục giải quyết khiếu nại liên quan đến bồi thường, tái định cư, cấp bản sao giấy phép xây dựng, thay đổi thiết kế được duyệt kèm theo giấy phép xây dựng, nhiều nơi vẫn đòi người dân phải thực hiện theo mẫu cũ vì… chưa được hướng dẫn cụ thể.

Lý giải điều này, ông Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3, cho biết: Nhiều thủ tục cấp phép xây dựng được UBND TP bãi bỏ, nhưng thực tế vẫn áp dụng như cũ vì “vướng” Quyết định 68/2010 của Chủ tịch UBND TP ngày 24-9-2010 ban hành quy định cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép trên địa bàn. Do quyết định bãi bỏ và quyết định mới ban hành chưa rõ ràng nên tốt nhất là quận vẫn theo thủ tục cũ cho… chắc ăn.

Tương tự, thủ tục xác nhận tình trạng nhà, đất mặc dù đã được bãi bỏ và phần lớn các quận huyện đã chấp hành, song quận Bình Thạnh vẫn đòi người dân phải bổ sung trong hồ sơ cấp hộ khẩu vì Nghị định 56 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Cư trú chưa bãi bỏ. UBND quận còn ban hành văn bản số 1783/UBND ngày 19-11-2010 chỉ đạo các phòng ban, UBND các phường không được bãi bỏ thủ tục này và chờ có hướng dẫn mới của các cấp có thẩm quyền.

Tình trạng trên “cắt” dưới chờ này theo ghi nhận của chúng tôi vẫn còn ở nhiều TTHC thuộc lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, tư pháp, cấp phép kinh doanh, quản lý lao động, giáo dục… mặc dù đã được Chủ tịch UBND TP ra quyết định sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ. Hậu quả là hiện nay người dân vẫn bị hành khi đi làm TTHC tại các cơ quan hành chính.

Hoài Nam

Tin cùng chuyên mục