Đi lại khó, có shipper lo!
Trong tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TPHCM, nhiều chợ bị đóng cửa, một số siêu thị lớn cũng phải tạm dừng hoạt động thì shipper trở thành “huyết mạch” vận chuyển các thứ cần thiết cho đời sống người dân. Từ bó rau xanh, miếng thịt tươi đến tô bún nóng; từ vài quyển sách, lọ kem dưỡng da đến chiếc phao hồ bơi cho con chơi hè, bạn cũng có thể ngồi nhà và chờ … shipper mang tới. Số liệu từ nhiều sàn thương mại điện tử cho thấy, nhu cầu mua sắm online thời gian qua tăng mạnh kéo theo các đơn hàng cần chuyển phát cũng “nhảy số” liên tục.
Anh Nguyễn Văn Hải, 32 tuổi, shipper ở TPHCM chia sẻ: “Đơn hàng mấy nay tăng nhiều, tôi phải chạy tăng cường để kịp giao cho khách trong ngày. Chạy nhiều hơn, nhưng biết được nhu cầu cần kíp của bà con nên tôi cũng cố gắng. Phần thu nhập kiếm được cũng khá hơn để lo cho gia đình tôi cũng rất mừng nên tranh thủ ăn cơm trưa xong là tôi chạy liền chứ không ngủ trưa như trước đây”.
Vui đó nhưng cũng còn nhiều nỗi lo mà cánh shipper thường chia sẻ với nhau. Bản thân họ cũng sợ dịch bệnh, đặc biệt khi công việc mỗi ngày còn phải tiếp xúc nhiều người và đa phần là lao động chính trong nhà.
Ông Phùng Văn Hùng, 48 tuổi, Bình Dương chia sẻ về lo lắng khi mỗi ngày cầm tài: “Biết là nguy cơ của mình cao hơn rồi vì hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều người nhưng vì sự an toàn của bản thân, gia đình, các khách hàng cũng như của cộng đồng nên phải cẩn thận hơn, cố gắng hơn thôi”.
Giao hàng mùa dịch - Trăm mối lo
Thêm vào tâm lý lo lắng cho shipper trong những ngày giao hàng mùa dịch chính là sự e dè của nhiều khách hàng. Ở khía cạnh người nhận, nhiều khách hàng lo lắng về vấn đề an toàn phòng dịch của shipper khi giao hàng vì họ tiếp xúc với nhiều người. Mặt khác, đầu khách hàng là người gửi thì lại rơi vào những tình huống oái oăm như hàng đã đi mà khách cứ giục, tiền lại chưa về vì đơn vị vận chuyển… giao nhầm hoặc sót đơn!
Đơn hàng tăng vọt đồng nghĩa với việc xử lý khối lượng công việc hậu cần và tỷ lệ sai sót cũng biến thiên theo. Những ngày này, không chỉ shipper mà các lao động khối hậu cần cũng làm việc vất vả hơn để phục vụ khách hàng tốt hơn. Chị Nguyễn Thị Lan, nhân viên hậu cần một công ty giao hàng cho biết lượng đơn hàng cần xử lý hơn tháng nay tăng khoảng 40%, nên chị luôn tranh thủ đến sớm hơn và về trễ hơn để kịp xử lý công việc và phân hàng cho các anh em..
Ông Nguyễn Văn Thành, quản lý kho hàng tại Hà Nội chia sẻ thêm: “Ngành giao hàng mùa này có trăm mối lo chứ không chỉ riêng công ty chúng tôi. Có nhiều shipper gọi khách ngay không được là hủy đơn, khó cho người bán, người mua và cả công ty. Mặt khác, nhân sự hậu cần cũng đang thiếu nghiêm trọng, việc tuy không quá phức tạp nhưng lại đòi hỏi “tay quen biết việc” thì mới nhanh và ít sai sót được”.
Câu chuyện của ông Thành không hiếm đối với ngành giao hàng những ngày này. Nhiều chuyên gia phân tích lý do chính là doanh nghiệp giao hàng chưa hoạch định kế hoạch kinh doanh phù hợp và có hạ tầng vận hành vững chắc, bài bản để đáp ứng nhu cầu thực tế đột ngột tăng vọt.