Mấy năm gần đây, khi nói về việc thưởng tết, nhiều tờ báo hay đưa tin với mức thưởng cao nhất, cao ngất ngưởng. Thử hỏi, có bao nhiêu người được thưởng 700 triệu hay 1,1 tỷ đồng trong số hàng triệu người lao động ở thành phố này? Trong khi đó hàng triệu công nhân đang ngóng chờ lương thưởng tết như hạn trông mưa.
Mức thưởng bình quân tại các doanh nghiệp (DN) giày da, dệt may trong nước cũng chỉ khoảng 2,5 triệu đồng, tăng 300.000 đồng so với tết năm ngoái. Xét ra, mức thưởng này tương đương tháng lương 13, chẳng nhiều nhặn gì trong thời buổi lạm phát, giá cả leo thang hiện nay.
Đó là chưa nói trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái, khó khăn như năm nay, nhiều DN làm ăn thua lỗ, công nhân coi như bị “xù” lương thưởng tết hoặc giám đốc chỉ hứa “sẽ trả lương thưởng” nhưng đến nay vẫn im hơi lặng tiếng. Thậm chí có nơi công nhân đến nay vẫn chưa được trả lương tháng 11, nói gì đến thưởng.
Chủ thì trả lương chậm, công nhân thì cố tăng ca để mong thưởng tết kiếm chút tiền làm quà về quê, thế nhưng đến nay ngóng mãi vẫn chưa có tin vui. Nhiều bạn bè tôi, làm cho một công ty tư nhân, cho biết chủ nói thẳng chỉ trả 50% lương, số còn lại qua tết lãnh…
Thành ra, khi đọc những mẩu tin trên báo về chuyện thưởng tết mà lòng chúng tôi buồn rười rượi. Phải chi có nhiều tin, bài nói về việc nên làm gì để hỗ trợ công nhân nghèo ăn tết, làm sao để công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất có thể mua vé xe vé tàu giá rẻ hơn là phải xếp hàng rồng rắn từ sáng đến chiều rồi chạy ra cầu cạnh bọn phe vé khi túi tiền chỉ có hạn, kêu gọi xã hội cùng lo tết cho công nhân nghèo, sinh viên không được về quê ăn tết...
Năm nào, đề tài lương thưởng tết cũng là câu chuyện thời sự của giới công nhân. Lương thưởng đã ít, đối phó với giá cả chợ búa hàng ngày đã khổ, cuối năm đối diện với giá cả ngày tết, công nhân càng khổ hơn. Xét cho cùng, tiền thưởng tết là hình thức trả lương bổ sung.
Điều chúng tôi mong muốn là Nhà nước nên đưa tiền thưởng tết vào ngay trong tiền lương thực tế hàng tháng để người công nhân đỡ vất vả xoay xở với bữa cơm thường nhật. Và tết chỉ cần tháng lương 13 như một cách động viên, khuyến khích.
Huy Thông
(Một công nhân ở Bình Chánh)
Phân phối thu nhập phải công bằng
Nỗi niềm chờ đón khoản tiền thưởng cuối năm đang trở thành mối quan tâm của tất cả người lao động làm công ăn lương, ở mọi ngành nghề lĩnh vực. Có không ít giáo viên, công chức, viên chức ở các đơn vị sự nghiệp hành chính thắc mắc “vì sao mình cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp công sức, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội nhưng không được chia đều lợi nhuận, không được phân phối thu nhập một cách công bằng?”.
Chính vì thế, con số tiền thưởng và mức thưởng do ngành LĐTB-XH công bố mỗi năm ở khu vực doanh nghiệp khiến nhiều người lao động ở các khu vực khác - không trực tiếp sản xuất, kinh doanh và không có tiền thưởng tết cảm thấy thiệt thòi. Còn việc công bố mức thưởng hàng năm với mức cao nhất, thấp nhất và bình quân ở khoảng 1.000 đơn vị, doanh nghiệp ở TPHCM có báo cáo thì cũng chưa thể hiện hết bức tranh chung về thưởng tết ở cả trăm ngàn doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Trên thực tế năm nay, số doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, năng suất cao chiếm tỷ lệ nhỏ, số còn lại chiếm phần đông đều gặp khó khăn vì tình hình kinh tế suy thoái, vốn vay lãi suất cao, chi phí đầu vào tăng… Đối với hàng chục ngàn doanh nghiệp ở TPHCM bị phá sản, làm ăn cầm chừng và thua lỗ thì ngành LĐTB-XH cấp quận, huyện và TP có nắm rõ tình hình trả lương, thưởng tết của họ hay không?
Việc đưa ra những thông tin mang tính phiến diện của một số doanh nghiệp, đơn vị ở một số ngành nghề chưa thể hiện đúng về bản chất của việc trả thưởng tết cho người lao động cũng như những gam màu tối của bức tranh này.
Chỉ đến khi nào việc trả lương, trả thưởng công khai, minh bạch và nhà nước có cơ chế giám sát, điều tiết lợi nhuận chung và có sự phân phối thu nhập hợp lý, công bằng thì tiền thưởng ở khu vực nhà nước mới giảm bớt khoảng cách như hiện nay.
Thanh Phước (TPHCM)