Mùa Đại hội cổ đông 2015, Thủy sản Hùng Vương (HVG) lại “nóng” lên với kế hoạch mục tiêu lợi nhuận đạt 800 tỷ, tương đương tăng đến 78% so với lợi nhuận đạt được của năm 2014.
Liệu HVG có quá táo bạo, quá lạc quan khi đề ra mức chỉ tiêu lợi nhuận đầy tham vọng này. Chúng tôi đã có buổi trao đổi trực tiếp với ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HVG xoay quanh vấn đề này.
- PV: Thưa ông, Thủy sản Hùng Vương (HVG) tỏ ra rất lạc quan khi đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2015 tăng tới 78% so với kết quả đạt được năm 2014. Ông có thể cho biết rõ hơn đích đến của kế hoạch 2015 của HVG?
Trong năm 2014, HVG đạt doanh thu thuần 14.901 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2013. Lợi nhuận trước thuế đạt 450 tỷ đồng, tăng 54%, lợi nhuận sau thuế đạt 425 tỷ đồng, tăng 44% so với mức 296 tỷ đồng đạt được trong năm 2013.
Về kế hoạch mục tiêu sản xuất trong năm 2015, công ty phát huy thế mạnh của đầu tư những năm trước về quản lý khép kín quy trình sản xuất từ sản xuất thức ăn, nuôi trồng, chế biến đến xuất khẩu cá tra và tôm, với vòng quay vốn nhanh để đạt mục tiêu doanh thu hợp nhất đến tháng 9-2015 đạt 14.000 tỷ đồng và đến 31-12-2015 đạt 20.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất phấn đấu đạt 560 tỷ đồng vào tháng 9 và 800 tỷ đồng vào 31-12-2015.
Về kế hoạch chia cổ tức, HVG sẽ trình cổ đông phương án chia theo tỷ lệ 30% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu hoặc kết hợp cả tiền mặt và cổ phiếu.
- Có một số ý kiến cổ đông cho rằng HVG đặt kế hoạch doanh thu khá cao khi thị trường còn nhiều khó khăn, đặc biệt tình hình xuất khẩu thủy sản những tháng đầu năm không khả quan? Vậy theo ông, đâu là cơ sở của sự lạc quan này?
Nếu xét trong bình diện vĩ mô, có thể thấy sự lạc quan này là có cơ sở khi Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn tất quá trình đàm phán FTA với Liên hiệp châu Âu (EU) và Liên minh thuế quan (Nga, Belarus, Kazakhstan). Các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương này sẽ thay đổi đáng kể môi trường xuất khẩu, giúp hàng hóa Việt Nam nói chung và thủy sản nói riêng, có được nhiều lợi thế về thuế.
Hiện tại, EU đang áp 5,5% thuế nhập khẩu cá tra của Việt Nam trong khi tại Nga là 5,63%. Sau khi quá trình đàm phán kết thúc (theo lộ trình, quá trình này sẽ hoàn tất trong năm 2015), mức thuế nhập khẩu vào các nước này sẽ về mức 0%.
Trong những năm tới, Hùng Vương sẽ lấn sân sang lĩnh vực tôm, với dự kiến doanh số đạt 300 triệu USD trong vòng 1, 2 năm tới. Trong ảnh: ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT đang kiểm tra con giống Bố - Mẹ tại trại nuôi tôm Ninh Thuận. Ảnh: Hồng Minh
Nếu so sánh với kết quả kinh doanh không mấy khả quan của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2014, thì HVG đã có một năm không tồi. Theo số liệu Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam năm 2014 là 1.751 triệu USD, chỉ tăng nhẹ 0,4% so với tổng kim ngạch 2013. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của HVG đạt 215 triệu USD, tăng 3,9% so với 2013, chiếm 12,3% tổng kim ngạch.
Cơ cấu thị trường của HVG cũng có sự chuyển dịch mạnh mẽ, đặc biệt ở khu vực châu Âu. Nếu như năm 2013, thị trường này chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 18,7 triệu USD (chiếm 9% trong tổng kim ngạch 2013), sang năm 2014, kim ngạch xuất khẩu ở châu Âu đã tăng gấp 3 lần, chiếm tỷ trọng 26%, mức lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty.
Trong khi đó, Nga cũng chiếm một vị trí quan trọng trong danh sách các thị trường xuất khẩu của HVG khi đạt kim ngạch xuất khẩu 19,6 triệu USD, chiếm tỷ trọng 9%.
Là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, HVG chắc chắn sẽ được hưởng lợi rất lớn một khi quá trình đàm phán FTA được hoàn tất.
Ngoài ra, một số chính sách mới của Chính phủ cũng bắt đầu có tác động tích cực nhất định cho ngành nuôi trồng thủy sản. Ngày 26-11-2014, Quốc hội đã thông qua Luật số 71/2014/QH13, trong đó, mặt hàng thức ăn chăn nuôi - vốn đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 5%, sẽ được điều chỉnh thành đối tượng không chịu thuế VAT, áp dụng từ 1-1-2015. Nhờ đó, giá thành nuôi trồng thủy sản sẽ giảm đáng kể.
Kết thúc năm 2014, HVG đã tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) lên 80,7% và tại Agifish (AGF) là 79,6%.
Bên cạnh đó, HVG cũng có kế hoạch đầu tư mới vào CTCP Thức ăn thủy sản Hùng Vương Vĩnh Long và CTCP Thức ăn chăn nuôi Hùng Vương Cao Lãnh. Như vậy, Hùng Vương đã có được 4 công ty chuyên chế biến thức ăn, đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng trong hệ thống.
Năm 2015, HVG sẽ tiến hành xây mới và mở rộng thêm 3 nhà máy chế biến cá tại Tiền Giang, Sa Đéc và Bến Tre, 2 nhà máy chế biến tôm ở Sóc Trăng và 1 kho lạnh ở Bạc Liêu. Nhà máy sản xuất thức ăn Việt Thắng cũng được nâng cấp, tăng công suất từ 500.000 tấn/năm lên 800.000 tấn/năm trong năm 2015. Các nhà máy đều được trang bị máy móc nhập khẩu từ Nhật, Mỹ, châu Âu. Dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9-2015.
Về lĩnh vực thức ăn nuôi thủy sản, tổng sản xuất và bán ra của VTF chiếm trên 40% thị phần trong tổng số gần 50 doanh nghiệp sản xuất thức ăn. VTF có ưu thế về chất lượng và giá cả cung ứng ra thị trường với công nghệ sản xuất hiện đại từ châu Âu và Mỹ. Sản phẩm của VTF có tín nhiệm với người nuôi và các nhà máy chế biến cá tra. Hiện công ty còn đang nhập thêm thiết bị, mở rộng kho hàng để tăng thêm lợi thế cạnh tranh. Như vậy, việc tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty liên kết và đầu tư vào các công ty con có thể sẽ giúp HVG tăng lợi nhuận trong tương lai.
Xét cả trên phương diện tổng quan vĩ mô và điều kiện hiện tại của doanh nghiệp, HVG hoàn toàn có cơ sở để lạc quan. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu lợi nhuận với tốc độ tăng trưởng lên tới 78%, HVG sẽ phải trải qua một hành trình dài phía trước.
- Với kế hoạch đầu tư mạnh mẽ trên cơ sở những yếu tố thuận lợi để phát triển ưu thế kinh doanh, ông có thể cho biết các điều kiện cần và đủ để HVG hiện thực hóa kế hoạch đầu tư và lợi nhuận?
Điều kiện cần đã có về năng lực, nhân sự, quản trị, thị trường, kinh nghiệm, sản phẩm… Điều kiện đủ đó chính là vốn đầu tư. HVG đã có tờ trình tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015, công ty sẽ huy động lượng vốn lớn từ một số ngân hàng nước ngoài để đảm bảo đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về dự án đầu tư, HVG dự kiến 2015 sẽ tiến hành xây mới và mở rộng thêm 3 nhà máy chế biến cá tại Tiền Giang, Đồng Tháp và Bến Tre; 2 nhà máy chế biến tôm tại Sóc Trăng và 1 kho lạnh tại Bạc Liêu. Nhà máy sản xuất thức ăn Việt Thắng cũng được nâng cấp, tăng công suất từ 500 ngàn tấn/năm lên 800 ngàn tấn/năm trong 2015. Tổng vốn đầu tư cho các hoạt động trên là 1.400 tỷ.
SÔNG HƯƠNG