Tiền lương phải trả đúng người đúng việc

Bắt đầu từ 1-5-2012, lương tối thiểu (LTT) của cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) sẽ tăng từ 830.000 đồng/tháng lên 1.050.000 đồng/tháng. Dù vậy, so với mức LTT vùng thì chỉ bằng 75% so với vùng thấp nhất (vùng IV: 4 triệu đồng và bằng 52% so với vùng cao nhất (vùng I: 2 triệu đồng/tháng). Cũng theo khảo sát cho thấy, mức LTT chung chỉ bằng 58,1% mức chi tiêu bình quân một nhân khẩu của cả nước năm 2011 và mức này quá thấp, không đủ đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của người lao động.

Thực trạng này cho thấy việc trả lương cho CBCCVC hiện nay không theo kịp mặt bằng tiền lương, thu nhập của thị trường. Vì lương không đủ sống nên chuyện trả lương, thưởng, thu nhập nói chung ở khu vực nhà nước cũng bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể là thiếu công khai, minh bạch, thậm chí bị méo mó vì thu nhập chính không bằng thu nhập phụ. Đó là chưa kể, hệ quả của lương thấp, trả lương theo kiểu cào bằng, “sống lâu lên lão làng” cũng khiến khu vực công, đơn vị nhà nước mất cạnh tranh về nhân lực giỏi, có nghề.

Sự ra đi của hàng loạt công chức, viên chức, trong đó có những cán bộ quản lý giỏi là điều đáng báo động và đáng suy ngẫm. Đúng như nhận định của các chuyên gia về tiền lương, khi lương không đủ sống, không đủ để bù đắp công sức, tái tạo sức lao động… thì điều tất yếu sẽ dẫn đến việc thực thi công việc kém hiệu quả, trục lợi chức vụ, quyền hạn, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

Chính vì thế, việc xới lên thực trạng tiền lương và định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với CBCCVC trong giai đoạn 2013-2020 do Bộ Nội vụ chủ trì tại TPHCM mới đây là cần thiết. Ba phương án LTT được đưa ra (2.000.000 - 1.680.000 và 3.150.000 đồng/tháng) còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng chung quy đều mong muốn tiền lương trả cho CBCCVC phải trở thành động lực của phát triển, kích thích tinh thần làm việc, tăng năng suất lao động. Như thế chính sách tiền lương phải xây dựng trên cơ sở khoa học, sát với giá thị trường và quan trọng là nó phải trả đúng người đúng việc.

Hiện nay, hệ thống thang bảng lương, hệ số lương đang áp dụng quá lạc hậu, rối rắm và thể hiện sự bình quân chủ nghĩa, không trả đúng người đúng việc. Vì vậy, việc cải cách, xây dựng bậc lương, quan hệ trả lương tối thiểu, trung bình, tối đa phải được tính toán kỹ lưỡng, sát với giá nhân công trên thị trường.

Với bài toán khó lấy nguồn đâu để thực hiện đề án cải cách tiền lương khi số người hưởng lương hiện quá lớn, theo tôi, ưu tiên số một là phải tinh giản và sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân sự, làm gọn nhẹ bộ máy nhà nước, cơ quan công quyền. Chỉ khi nào áp dụng cơ chế tuyển dụng nhân sự là CBCCVC một cách công khai thì mới hy vọng chắt lọc được đội ngũ nhân sự ở các cơ quan nhà nước “vừa tinh vừa chuyên” theo yêu cầu. Nếu không mạnh dạn mổ xẻ chất lượng nhân sự và cho nghỉ việc những người không đáp ứng yêu cầu công việc thì chúng ta khó có thể giải được bài toán thừa người thiếu chuyên môn, kỹ năng và thiếu người giỏi việc, giỏi chuyên môn như hiện nay.

Ngoài trao quyền tự chủ về tài chính, thường xuyên giám sát việc bố trí sử dụng biên chế, ngân sách của các địa phương, theo tôi, giải pháp mà Bộ Nội vụ đưa ra nhằm tiết kiệm ngân sách chi trả lương cần được thí điểm làm ngay. Đó là sẽ chuyển đổi cơ chế cấp phát kinh phí sang hình thức đặt hàng trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí của từng loại dịch vụ.

Một khi lương được gắn với trách nhiệm, năng lực, trình độ và hiệu quả, năng suất thì nó sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Như Hà

Tin cùng chuyên mục