Tiến tới chiếm lĩnh thị phần

Thực tế cho thấy, trong những thời điểm khó khăn cơ cấu ngành công nghiệp TPHCM đã có sự chuyển biến tích cực, đúng định hướng tuy còn chậm so với yêu cầu phát triển. So với cơ cấu công nghiệp của các nước tiên tiến, cơ cấu công nghiệp TP còn tồn tại những mặt hạn chế. Cụ thể, hàm lượng giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp còn thấp do cơ cấu kinh tế chậm chuyển đổi, tỷ lệ sản xuất gia công còn cao; công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp TP chưa cao. Trong đó, các dự án phát triển nhanh, nhưng chủ yếu theo chiều rộng trong các giai đoạn trước đã tạo nhiều áp lực quá tải cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và môi trường. Trong khi ngân sách TP còn eo hẹp, vốn đầu tư để giải quyết những vấn đề này rất hạn chế. Từ đó dẫn đến hiệu quả tăng trưởng sản xuất công nghiệp TP chưa cao, các ngành truyền thống như dệt may, da giày... vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng công nghiệp của TP.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, giai đoạn thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP gặp thời điểm kinh tế thế giới có nhiều khó khăn - lạm phát cao, suy thoái kinh tế, khủng hoảng nợ công ở châu Âu... gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam, bên cạnh khó khăn về sức tiêu thụ ở thị trường nội địa. Trong nước, một số cơ chế, chính sách quản lý kinh tế vĩ mô còn nhiều bất cập, không ổn định, liên tục thay đổi đã gây khó khăn cho tình hình sản xuất kinh doanh. Mặc dù TP đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và chuyển dịch cơ cấu ngành nhưng các chính sách ưu đãi chưa đủ mạnh để tạo động lực cho các doanh nghiệp ngành trọng yếu chủ động đầu tư, đổi mới máy móc thiết bị, tái cơ cấu sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Quy mô thị trường (trong nước và xuất khẩu) của các doanh nghiệp ngành công nghiệp trọng yếu của TP còn hạn chế, cộng với tình hình kinh tế trong và ngoài nước khó khăn; việc phát triển mở rộng thị trường gặp khó khăn đã kéo theo hàng loạt khó khăn trong hoạt động sản xuất về tiếp cận nguồn vốn, nguyên liệu sản xuất; phát triển công nghiệp phụ trợ.

Ngoài ra, năng lực tham mưu của một số sở, ngành còn hạn chế. Việc chậm trễ trong tham mưu nhiều đề án, chương trình trình UBND TP ban hành đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo và điều hành và thực hiện chương trình công tác. Công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình ở các cơ quan tham mưu chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng thông tin báo cáo chưa cao. Công tác phối hợp giữa các sờ ban ngành và UBND các quận huyện còn chưa đồng bộ.

Do vậy, để hạn chế những rào cản cũng như thúc đẩy phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu, các chuyên gia “hiến kế”: ngoài việc nhanh chóng chấn chỉnh công tác tham mưu, trước mắt TP cần tiếp tục tái cấu trúc theo hướng đẩy mạnh tốc độ và mở rộng quy mô các ngành công nghiệp phụ trợ. Giảm dần việc gia công, lắp ráp bằng nguyên vật liệu nhập khẩu với chi phí cao. Đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp. Nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp, công nhân kỹ thuật ngang tầm các nước phát triển trong khu vực. Tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu để tiến tới chiếm lĩnh thị phần trên thị trường trong nước và nước ngoài, nhất là ở các nước phát triển. Đồng thời, đề nghị đưa các dự án của doanh nghiệp TP đầu tư ở các địa phương khác (có liên kết, hợp tác để sản xuất các sản phẩm thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu) vào các chương trình ưu đãi; mở rộng đối tượng, bổ sung các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ được tham gia chương trình kích cầu… Có như vậy, việc tái cơ cấu các ngành công nghiệp trọng yếu của TP mới đảm bảo thành công.

THẢO TIÊN

Tin cùng chuyên mục