Bộ GD-ĐT vừa đưa ra phương án thi tốt nghiệp THPT để tham khảo các ý kiến. Theo đó, chỉ còn 4 môn thi, trong đó có 2 môn bắt buộc là toán, văn, và 2 môn tự chọn. Ngoại ngữ (tiếng Anh) không có trong danh sách các môn thi bắt buộc như mọi năm. Tôi thấy như vậy là không ổn.
Thế giới đã chứng kiến Singapore phát triển vượt bậc, trong các yếu tố thành công, có yếu tố quan trọng là họ xem trọng việc dạy, học và sử dụng tiếng Anh. Ở nước ta, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020. Mục tiêu của đề án là thực hiện đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhằm đảm bảo đến năm 2015 nâng cao rõ rệt trình độ ngoại ngữ của một số đối tượng ưu tiên; đến năm 2020 tăng đáng kể tỷ lệ thanh thiếu niên có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập và tự tin trong giao tiếp.
Do đó, Bộ GD-ĐT cần có tầm nhìn xa hơn trong việc dạy tiếng Anh cho học sinh, trong đó nên quy định tiếng Anh phải là môn thi tốt nghiệp bắt buộc. Tôi không đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khi ông cho rằng cách thi ngoại ngữ hiện nay không bảo đảm đánh giá được năng lực ngoại ngữ của học sinh, vì thế Bộ GD-ĐT không muốn tiếp tục thi mà không đem lại hiệu quả. Như vậy, Bộ GD-ĐT đã tự mâu thuẫn với chính mình vì không tin chất lượng dạy và học ngoại ngữ của ngành mình phụ trách. Đồng ý là chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở phổ thông hiện nay còn kém khi phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp THPT với 7 năm học tiếng Anh vẫn không thể giao tiếp và sử dụng sơ cấp ngoại ngữ này. Nhưng vẫn nên duy trì việc thi tốt nghiệp tiếng Anh đồng thời đổi mới chương trình, phương pháp dạy và học môn này. Như vậy ít nhất học sinh sẽ không lơ là và coi nhẹ việc học tiếng Anh, đồng thời giúp các em nhận thức rằng thích tiếng Anh chính là chìa khóa để tiếp cận tri thức, là kỹ năng để các em tiếp tục phát triển.
LÊ QUANG (quận Thủ Đức, TPHCM)