Tìm “công thức” điều hành hợp lý

Tại hội thảo công bố báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 10-7, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, nêu ra 3 kịch bản tăng trưởng cho cả năm 2023.

Kịch bản 1, giả thiết kinh tế thế giới tiếp tục phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021-2022 thì tăng trưởng GDP đạt 5,34% trong năm 2023. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2023 tăng 3,43%.

Kịch bản 2 là giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong kịch bản 1 liên quan đến kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam nên tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72%; CPI bình quân cả năm tăng 3,87%.

Kịch bản 3 giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn, sự quyết liệt trong cải cách và điều hành giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và năng suất lao động… thì GDP dự báo ở mức 6,46%; CPI bình quân cả năm tăng 4,39%.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 4-7, Bộ KH-ĐT dự báo 2 kịch bản. Kịch bản 1 tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%, nghĩa là 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%. Kịch bản 2, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.

Trong nhiều diễn đàn kinh tế khác, ý kiến khá thống nhất là: những “kịch bản tăng trưởng cao” khó lòng đạt được nếu như không có ít nhiều… may mắn. Cụ thể là những giả định tích cực cả trong và ngoài nước đều trở thành hiện thực. Nhưng, vấn đề lớn hơn không phải chỉ là không đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm nay mà là những mục tiêu chiến lược trong trung và dài hạn cũng sẽ không khả thi. Nguyên nhân chính có thể do các cải cách về phía cung, trong đó có cải cách thể chế, định hướng tăng năng suất lao động… chưa tương xứng với kỳ vọng và yêu cầu đề ra.

Trong số nhiều khuyến nghị quan trọng, nhiều chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện khung chính sách, nâng cao năng lực thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác hiệu quả ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới để thúc đẩy phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp… Các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về các FTA mà Việt Nam đã đàm phán và ký kết; hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế để thực hiện hài hòa các FTA, nhất là ứng phó với các hàng rào kỹ thuật và rủi ro phòng vệ thương mại ở các đối tác.

Theo nhiều nhà quan sát kinh tế, vấn đề quan trọng là xác định đúng “công thức” điều hành. Trong công thức này, mặc dù trọng số vẫn thiên về ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, nhưng phải gắn với cải cách nền tảng kinh tế vi mô (môi trường kinh doanh) một cách mạnh mẽ và thực chất hơn nữa. Cùng với đó là ban hành khung chính sách và chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm hình thành một hệ sinh thái hiện đại cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đẩy nhanh việc nghiên cứu, ban hành các nghị định của Chính phủ về cơ chế thí điểm trong các lĩnh vực mới như Fintech, kinh tế tuần hoàn…

Với công thức điều hành đúng, cho dù mục tiêu tăng trưởng của năm nay có thể chưa đạt được, nhưng nền kinh tế vẫn sẽ tích lũy được những tiền đề quan trọng để “bung” mạnh tăng trưởng, như một chiếc lò xo tốt được thả ra sau khi bị nén chặt.

Tin cùng chuyên mục