Tìm giải pháp giải quyết nhu cầu nhà ở

Báo SGGP ngày 19-4-2016 có bài “Cơ hội nhà ở đang hẹp lại”, đã phản ánh thực trạng người dân TPHCM hiện nay rất khó tạo dựng nhà ở. Tìm giải pháp cho nhu cầu nhà ở đang là vấn đề cấp bách.

Báo SGGP ngày 19-4-2016 có bài “Cơ hội nhà ở đang hẹp lại”, đã phản ánh thực trạng người dân TPHCM hiện nay rất khó tạo dựng nhà ở. Tìm giải pháp cho nhu cầu nhà ở đang là vấn đề cấp bách.

Diện tích nhà ở bình quân đầu người tại TPHCM không ngừng tăng lên, năm 2010 là 14,3m², đến năm 2015 đã lên 17,32m². Tuy nhiên, không phải mọi người dân, nhất là người có thu nhập thấp, đều có cơ hội có nhà ở và có thể nâng diện tích nhà ở, thậm chí có không ít trường hợp ngược lại (do khó khăn, phải bán nhà rộng để mua nhà hẹp hơn, hoặc do nhà có thêm người).

Thị trường nhà đất có xu hướng tăng giá cũng như tăng sức mua đáng kể từ năm 2014 đến nay. Số người mua để đầu tư (mua cho thuê, mua để chờ lên giá bán lại) chiếm số lượng không nhỏ (kể cả nhà ở xã hội cũng bị một số người đầu cơ). Người thu nhập thấp vẫn khó tiếp cận nhà ở có diện tích vừa phải và không gian sống tốt, mà thường phải mua nhà có rủi ro về mặt pháp lý, diện tích hẹp, ở nơi thường xuyên bị ngập nước hoặc đi lại khó khăn. Khả năng tiếp cận các nguồn vay ưu đãi để mua nhà hoặc nâng cao chất lượng nhà ở thường rất khó khăn, nhiều người thu nhập thấp không đủ mức thu nhập để được hỗ trợ các gói vay; người có thể chứng minh thu nhập thì không có hộ khẩu tại TPHCM; người đã có sở hữu nhà nhỏ thì không thể tham gia gói 30.000 tỷ đồng. Nhìn chung, những người thực sự có nhu cầu nhà ở rất khó sở hữu được một căn nhà.

Trước thực trạng đó, TPHCM nên thực thi các giải pháp nâng cao chất lượng nhà ở cho người dân. Trước hết, nên khảo sát đầy đủ về thực trạng nhà ở của người dân TPHCM, để xác định bao nhiêu người có nhà ở, trong đó bao nhiêu người đã sở hữu (hoặc đồng sở hữu), bao nhiêu người ở với người thân; tính chất pháp lý của nhà ở; điều kiện cụ thể của từng nhóm nhà ở… Từ đó, có thể phân thành nhiều nhóm nhà ở, trong đó đặc biệt quan tâm đến nhóm thấp nhất (phải ở nhà thuê, ở nhờ, nhà diện tích quá nhỏ, nhà không có hoặc có nhà vệ sinh nhưng không đủ chuẩn, nhà quá xa trục đường giao thông chính…) để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Nên xem xét lại các chính sách hỗ trợ về nhà ở, tăng sự hỗ trợ đối với những người thực sự có nhu cầu về nhà ở.

Thành phố cũng nên tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dự án nhà dành cho người có thu nhập thấp và thực sự đang phục vụ cho người có thu nhập thấp. Bên cạnh hỗ trợ về thủ tục, thuế, vốn…, cần thiết tạo ra các cơ chế phù hợp để thu hút các nhà đầu tư ở lĩnh vực này, đồng thời quản lý tốt các doanh nghiệp này để tránh lợi dụng sự ưu đãi của thành phố vào những mục đích không phù hợp. Quản lý chặt chẽ việc đầu tư, đầu cơ nhà đất tạo sốt ảo trong lĩnh vực nhà đất, siết chặt quản lý từ việc cấp phép, để sàng lọc những dự án thiếu khả thi hoặc không đủ điều kiện, đồng thời có biện pháp quản lý nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nhà đất, nhằm tránh tạo ra cơn sốt ảo như những năm trước. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý giá, quản lý chất lượng công trình, sao cho bảo đảm xây dựng được các dự án nhà ở chất lượng tốt nhất với giá phù hợp nhất. Nghiên cứu xây dựng các khu nhà ở tập trung ở nơi có đông công nhân, người lao động. Ở những nơi này, cần có những dự án nhà ở tập trung với điều kiện sống phù hợp (diện tích, không gian, các công trình, dự án đi kèm…).

Có an cư mới có thể lạc nghiệp, nên trong việc xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, thì nhà ở là một trong những yếu tố quan trọng.

VÂN TÂM (quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục