Báo SGGP ngày 10-3 có bài “Kinh doanh từ hạt lúa”, phỏng vấn ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) về việc triển khai mua tạm trữ gạo lần thứ 6 của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Qua thông tin từ bài báo, tôi ghi nhận có nhiều vấn đề cốt lõi mang đến cho nông dân những tia hy vọng mới.
Vinafood 2 quyết định thay đổi chiến lược kinh doanh: “Thay vì tiếp cận hạt gạo để kinh doanh như lâu nay, chuyển dần sang hạt lúa”. Có thể nói đây là một bước đột phá của ngành lương thực mang lại nhiều cái lợi, cho cả Vinafood 2 lẫn nông dân. Trước hết, Vinafood 2 chủ động nguồn gạo nguyên liệu khi thị trường có nhu cầu, ngay cả nhu cầu đột xuất. Với nguồn lúa nguyên liệu có sẵn, cho phép Vinafood 2 chủ động xúc tiến thương mại bất kỳ thời gian nào, trong cũng như ngoài nước, chủ động luôn giá cả như thế nào để có lãi cho nông dân.
Làm như vậy, Vinafood 2 đã xóa bỏ một quy trình ngược về giá cả mà từ lâu đã tồn tại làm thiệt thòi không ít cho nông dân. Cái lợi thứ ba là Vinafood 2 còn có được nguồn nguyên liệu dồi dào với chất lượng đồng nhất rất cần thiết trong việc cạnh tranh khốc liệt về giá ở thị trường xuất khẩu. Cái lợi thứ tư là huy động nhiều thành phần lợi ích cùng tham gia, chia sẻ trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nếu làm tốt các khâu trên, không những Vinafood 2 quảng bá được thương hiệu mà còn tạo được uy tín cho thương hiệu, một tiền đề cho việc tiêu thụ sản phẩm căn cơ và bền vững ở thị trường trong và ngoài nước.
Đối với nông dân, khi được cung ứng một phần hay toàn phần vật tư sản xuất nông nghiệp, đồng nghĩa với việc họ được hưởng thêm phần lợi nhuận từ lãi suất ngân hàng; thêm vào đó họ an tâm sản xuất, không còn lo toan mọi thứ đầu vào, đầu ra mà chỉ chú tâm vào kỹ thuật canh tác để nâng cao chất lượng, một xu thế tất yếu trong việc cạnh tranh thị trường gạo trong tương lai.
Tuy nhiên vấn đề rất không đơn giản. Nếu Vinafood 2 chỉ dựa vào tiềm lực kho bãi, thị trường của mình, trong khi các mối liên kết vẫn chưa đủ mạnh sẽ thiếu bền vững và ít có hiệu quả nếu không có người cầm trịch. Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy mối liên kết 4 nhà không đạt hiệu quả cao vì nhân tố cốt tử này. Để giải quyết vấn đề mua lúa nông dân tại ruộng, tôi thấy Vinafood 2 không cần thiết phải thành lập hợp tác xã và đào tạo thêm cán bộ kỹ thuật có trình độ trung cấp trở lên, việc này chỉ làm cho phình ra cơ chế và con người gây lãng phí mà hiệu quả không cao.
Hiện nay tại địa phương, xã nào cũng đã có hội nông dân, hợp tác xã và một khuyến nông viên với trình độ trung cấp. Vinafood 2 chỉ cần quan hệ tốt với những cơ quan, tổ chức này thì việc thu mua sẽ được dễ dàng và đạt được hiệu quả cao. Vinafood 2 với định hướng về lâu, về dài cũng không nên hài lòng những hợp đồng thắng thầu với số lượng lớn gạo 25% tấm, mà nên có kế hoạch xuất khẩu gạo chất lượng cao. Thực tế ta đã có gạo chất lượng cao và giá xuất khẩu từ 800 - 1.000 USD/tấn.
NGUYỄN MINH ÚT
(Cần Đước, Long An)