Tính đến cuối tháng 10-2012, có hơn 3.600 lao động trong và ngoài tỉnh Kon Tum đến làm công nhân cho 8 công ty cao su trên địa bàn xã Mô Rai, huyện Sa Thầy. Số lao động này đã được các công ty cao su quy hoạch thành các làng công nhân. Bởi vậy, họ đã được các công ty cao su làm nhà cho mượn để ở; ký kết hợp đồng làm công nhân và có đăng ký tạm trú với UBND xã Mô Rai.
UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành quyết định thành lập 9 thôn mới và tổ chức quản lý, đi vào hoạt động như các thôn, làng khác trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Thế nhưng, do số lao động này chưa có đất thổ cư nên vẫn chưa được UBND xã Mô Rai cho nhập hộ khẩu.
Luật Cư trú được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29-11-2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007, đã quy định: “Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản”; “Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân”.
Với 2 tiêu chuẩn quy định như vậy của Luật Cư trú, lẽ ra hơn 3.600 lao động của 9 thôn trên địa bàn xã Mô Rai phải được cấp hộ khẩu kịp thời theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc UBND xã Mô Rai không thực hiện nhập khẩu cho người lao động tại các làng cao su là trái với Luật Cư trú; đi ngược quyết định của UBND tỉnh Kon Tum. Mong rằng việc làm trên sớm được sửa chữa kịp thời.
BẰNG HẢI (Kon Tum)