Tọa đàm “Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực” - Cần cách tiếp cận mới khi sửa đổi Luật Đất đai

Ngày 21-9, Báo SGGP tổ chức buổi tọa đàm “Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực”, với sự tham gia của lãnh đạo nhiều đơn vị, cơ quan trung ương, TPHCM, chuyên gia và người dân đang sử dụng đất nông nghiệp.
Dự án phim trường Vina gần 60ha tại TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, trở thành khu đất hoang từ năm 2008 đến nay. Ảnh: NGỌC OAI
Dự án phim trường Vina gần 60ha tại TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, trở thành khu đất hoang từ năm 2008 đến nay. Ảnh: NGỌC OAI

7 kiến nghị từ “đầu tàu” kinh tế 

Qua ý kiến từ các đại biểu tham dự buổi tọa đàm cho thấy, bên cạnh những thuận lợi, thời gian qua, việc sử dụng đất trong nhiều lĩnh vực đều có vướng mắc. 

Ghi nhận từ góc độ doanh nghiệp (DN) sử dụng đất phục vụ sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM, phân tích, thành phố không phải không có quỹ đất nhưng chuyển đổi như thế nào, mục đích sử dụng đất ra sao mới là vấn đề khó. Đơn cử, việc xin thêm 600ha đất nhằm mở rộng Khu công nghệ cao, vẫn chưa thực hiện được. Việc thành phố dành quỹ đất phục vụ cho hoạt động sản xuất là rất cần thiết, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Như với Tập đoàn Intel, việc dành quỹ đất cho DN này đã góp phần mang lại lợi ích rất lớn về kinh tế. Công ty Intel Việt Nam, với 2.700 kỹ sư và kỹ thuật viên trong vòng 10 năm (2010-2020) đã làm ra tổng kim ngạch xuất khẩu là 50 tỷ USD. 

Cùng chung nhận định, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, phát biểu, mong mỏi lớn nhất của DN là sự rõ ràng, minh bạch và hợp lý. Hiện tại có tình trạng DN không ổn định được kế hoạch sản xuất do phải trả tiền thuê đất hàng năm. Ngân hàng cũng không thể cho DN vay vốn nếu diện tích đất được giao cho DN theo hình thức trả tiền hàng năm. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính đất đai rất phức tạp, quá khó cho DN. Để được phê duyệt dự án đầu tư phải đi vòng qua rất nhiều cơ quan chức năng, ít nhất phải mất đến 3 năm mới hoàn thiện bộ hồ sơ. 
Đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bà Lê Thị Bích Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh địa ốc Him Lam, nêu: Theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), khi giao đất sẽ có 2 hình thức “đấu giá” và “đấu thầu”. Tuy nhiên, hiện nay tại TPHCM có nhiều dự án DN đã bồi thường, giải phóng mặt bằng 100%, nhưng chưa được giao đất chính thức. Như vậy, những trường hợp này thì sắp tới khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực sẽ “chuyển tiếp” như thế nào, cần có quy định rõ nhằm đảm bảo quyền lợi cho DN.
Tọa đàm “Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực” - Cần cách tiếp cận mới khi sửa đổi Luật Đất đai ảnh 1 Quang cảnh buổi tọa đàm
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, về sửa đổi Luật đất đai, TPHCM kiến nghị 7 vấn đề lớn, liên quan đến đấu thầu; thu hồi đất đai phụ cận của các dự án công trình của nhà nước; thực hiện dự án đầu tư công để phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng; cho tách dự án bồi thường tái định cư thành tiểu dự án hoặc dự án độc lập để rút ngắn thời gian đầu tư công trình…

“TPHCM có rất nhiều DN đã cổ phần hóa và đang cổ phần hóa. Trước đây, các DN cổ phần hóa chỉ có một tờ giấy quyết định cổ phần hóa và quyết định giao tài sản nên khi lập thủ tục đất đai bị vướng, dẫn đến ách tắc trong cổ phần hóa. Tuy nhiên, vấn đề này không có quy định trong dự thảo luật”, ông Nguyễn Toàn Thắng nói.

Sẽ thảo luận kỹ tại các kỳ họp của Quốc hội

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, kể, thực tế tiếp nhận rất nhiều ý kiến của người dân, tổ chức, DN về vấn đề quyền sử dụng đất. Theo đó, nhiều ý kiến được người dân phản ánh là quỹ đất của người dân, DN được cấp quyền sử dụng đất nhưng lại nằm trong quy hoạch công trình công cộng. Vậy làm thế nào để hài hòa lợi ích của người sử dụng đất trong thời gian chờ thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế? Một vấn đề khác, cơ chế chính sách sử dụng đất cần rõ ràng và tính đến yếu tố hiệu quả, tiết kiệm. Nếu không, sẽ không còn quỹ đất để phục vụ cho công trình công cộng, khu dân cư. Đây cũng là nhiệm vụ rất quan trọng trong sửa đổi Luật Đất đai lần này. 

"Về mặt nguồn lực, đất đai có hạn và không sinh sôi nảy nở nên các nhu cầu sử dụng hiệu quả nguồn lực này rất quan trọng. Tác động nguồn lực đất đai đến nhiều đối tượng, ảnh hưởng rất lớn về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; nếu không sử dụng tốt sẽ tạo ra dư địa giữa giàu - nghèo…" - Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Tọa đàm “Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực” - Cần cách tiếp cận mới khi sửa đổi Luật Đất đai ảnh 2
Tham gia trực tiếp thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá cao Báo SGGP đã tổ chức buổi tọa đàm có chất lượng nội dung cao và đúng thời điểm. “Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp chuyên đề về pháp luật để xem xét một số vấn đề dự thảo luật để trình Quốc hội. Buổi tọa đàm có nhiều thông tin rất hữu ích”, ông Phan Đức Hiếu đánh giá và cho biết Ủy ban Kinh tế của Quốc hội được giao chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan để thẩm tra các dự án của Luật Đất đai (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này không chỉ mới tiến hành mà đã soạn thảo từ 2 năm trước.  

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 tới đây; tiếp theo đó, kỳ họp thứ 5 của Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến lần 2; tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội cho ý kiến lần thứ 3 và nếu như dự thảo đạt chất lượng sẽ thông qua vào năm 2023. Vì tính đặc biệt như vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được xem xét, bàn thảo toàn diện, kỹ lưỡng trước khi được thông qua.

Ông TRẦN DU LỊCH, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia: Tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác

Tọa đàm “Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực” - Cần cách tiếp cận mới khi sửa đổi Luật Đất đai ảnh 3
Đất đai là nguồn hữu hạn, nhưng việc sử dụng hiệu quả đang có 2 vấn đề lớn. Đó là tình trạng lãng phí đất hoang trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa; chuyển đất nông nghiệp thành đất hoang; xây “đô thị ma” không ai ở, chỉ có các nhà đầu cơ ôm đất. Việc đầu cơ này đã đẩy giá đất lên cao, tạo nên cái gọi là “giá đất thị trường” vượt sức chịu đựng của người dân, nền kinh tế và doanh nghiệp. 
Liên quan đến vấn đề giá thị trường đối với đất đai, việc đi tìm giá thị trường chẳng khác nào “đi tìm lá diêu bông”. Ví dụ giá đất ở TPHCM, với một miếng đất, mật độ xây dựng, tầng cao bao nhiêu sẽ có giá khác nhau, nhưng trong Luật Đất đai lại chưa đề cập đến vấn đề này. Đối với phương án đền bù các trường hợp bị thu hồi đất, cần phải xem lại và cần lưu ý bất cập hiện nay.
Về vấn đề làm luật này, tôi thấy tỉnh Sơn La, TP Hà Nội hay TPHCM làm sao giống nhau được, vì vậy luật nên phân cấp, phân quyền cho địa phương, chỉ quy định những vấn đề liên quan đến quốc gia. Thứ nữa, cái nào thuộc về quan hệ dân sự thì không nên đưa vào luật mà trả về cho Bộ luật Dân sự. Theo tôi, Luật Đất đai còn rườm rà, những vấn đề gì thuộc chức năng của các bộ ngành thì không nên đưa vào luật. Đây là những vấn đề mang tính quan điểm cần xem xét chấn chỉnh. Cuối cùng, luật này muốn làm tốt cần phải đối chiếu với các luật khác, tránh chồng chéo mâu thuẫn, không thể cứ đầu nhiệm kỳ Quốc hội ra luật, cuối nhiệm kỳ Quốc hội lại sửa. Luật pháp phải mang tính ổn định.
Ông PHẠM VĂN TRƯỜNG, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng: Luật Đất đai phải thành luật nền cho các luật khác có liên quan các vấn đề đất đai
Tọa đàm “Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực” - Cần cách tiếp cận mới khi sửa đổi Luật Đất đai ảnh 4
Tiếp sau buổi tọa đàm, chắc chắn sẽ còn nhiều ý kiến đề cập vấn đề sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, bởi luật này rất rộng, liên quan đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Tôi nghĩ rằng, Luật Đất đai phải thành luật nền, các luật khác liên quan đến các vấn đề đất đai phải dựa trên cơ sở của luật này thì mới tháo gỡ, giải quyết được căn bản các vấn đề vướng mắc. Chúng tôi mong muốn sau cuộc tọa đàm sẽ tiếp tục nhận thêm nhiều ý kiến mà các đại biểu chưa kịp trao đổi, phát biểu, để tập hợp, thông tin, chuyển tải đến diễn đàn Quốc hội. Tới đây, Quốc hội tiếp tục bàn thảo, làm rõ để tháo gỡ những vướng mắc liên quan, để hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), tạo nền tảng và động lực cho các hoạt động xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ổn định và nâng cao đời sống người dân.
Ông CAO VĂN TẤN, đến từ tỉnh An Giang: Nông dân mơ làm cánh đồng lớn
Tọa đàm “Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực” - Cần cách tiếp cận mới khi sửa đổi Luật Đất đai ảnh 5
Hiện nay, việc sử dụng đất nông nghiệp có nghịch lý như người có đất nhiều thì được canh tác, còn người có đất ít lại cho người có đất nhiều thuê. Nhiều nông dân muốn dồn điền để làm nông nghiệp quy mô lớn, vì cơ giới hóa gần như toàn bộ, máy bay không người lái một ngày có thể bón phân cho 20ha, nên việc canh tác 100ha lúa không phải vấn đề lớn. Nhưng việc dồn điền đổi thửa đang gặp khó khăn vì vướng quy định về hạn mức. Đây là điều bất cập, Luật Đất đai (sửa đổi) sắp tới cần nêu rõ vấn đề hạn điền. Người dân muốn tăng hạn điền lên mức 15-20 lần thì mới đủ điều kiện để đầu tư phát triển nông nghiệp. Còn không, sẽ dẫn tới cạnh tranh giá thành sản phẩm, thua thiệt so với các nền nông nghiệp của các nước trên thế giới. Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ để nông dân tích tụ ruộng đất, sản xuất lớn.

Tin cùng chuyên mục