Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn: Chủ động ứng phó khi nước nguồn biến động trong mùa khô

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn: Chủ động ứng phó khi nước nguồn biến động trong mùa khô

TPHCM đang bước vào mùa khô. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt hơn, đang thách thức ngành cấp nước TPHCM trong việc thực hiện nhiệm vụ cung ứng nước sạch cho thành phố đông dân nhất nước.

Xâm nhập mặn gia tăng

Hiện tượng El Nino (hiện tượng vùng biển ở khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương ấm lên một cách bất thường) đã ảnh hưởng đến nước ta từ cuối năm 2014 và có khả năng tiếp tục kéo dài đến đầu năm 2016, một trong những El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua. Theo nhận định tình hình khí tượng thủy văn của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, các hiện tượng nhiệt độ cao (tăng 3-4oC so với trung bình nhiều năm), nắng nóng (14 đợt), giảm lượng mưa (thiếu hụt 20 - 50% so với trung bình nhiều năm) ngày càng tăng trên diện rộng. Đây là nguyên nhân gây ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất công nông nghiệp và sinh hoạt dân sinh trên cả nước.

Niềm vui của người dân khi được sử dụng nguồn nước sạch

Trong khi đó, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đã và đang khai thác nguồn nước chính từ sông Đồng Nai (thượng nguồn ở Lang Biang) và sông Sài Gòn (thượng nguồn ở Lộc Ninh, Bình Phước) để sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực TPHCM. Do đó, các biến động về khí tượng thủy văn khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ ảnh hưởng rất lớn đến công tác cấp nước phục vụ người dân.

Theo khảo sát, trong 10 tháng đầu năm 2015, lượng dòng chảy trên các sông phổ biến tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ thiếu hụt từ 20-60%, có nơi thiếu hụt trên 80% dẫn đến mực nước sông suy giảm xuống mức thấp nhất lịch sử hoặc thấp nhất cùng kỳ. Đồng thời, mực nước ở các hồ Trung Bộ, Tây Nguyên đều ở mức thấp hơn năm 2014 từ 1,5-5m và thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 5-10m. Bên cạnh đó, tại khu vực Nam Bộ đã xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn, độ mặn tại hầu hết các trạm đều lớn hơn so với cùng kỳ năm 2014 và trung bình nhiều năm. Điều này đã gây ảnh hưởng đến chất lượng và lưu lượng nước của 2 nguồn cung cấp nước (sông Đồng Nai và sông Sài Gòn) cho người dân TPHCM.

Theo như dự báo tiếp theo vào giai đoạn cuối năm 2015 và đầu năm 2016, lượng mưa tại khu vực Trung Bộ có khả năng thiếu hụt 30-50% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Đối với khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, lượng mưa có khả năng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 20-40% và mùa mưa sẽ kết thúc sớm hơn nhiều năm. Lượng dòng chảy trên các sông sẽ giảm dần và có khả năng thiếu hụt ở các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ (20-40%); Nam Trung Bộ (60%) dẫn đến tình trạng khô hạn và thiếu nước xảy ra sớm vào đầu mùa khô năm 2016, dự kiến mùa khô năm 2016 sẽ kéo dài hơn mọi năm (khoảng tháng 6/2016 mới có mưa).

Phối hợp xả nước đẩy mặn

Để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu trong giai đoạn sắp tới, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đã triển khai thực hiện đồng bộ các kế hoạch. Đó là tăng cường giám sát chất lượng nguồn nước tại các trạm thu nước thô, để từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó kịp thời khi chất lượng nguồn nước biến động. Đồng thời, Tổng Công ty tiếp tục phối hợp với các đơn vị hồ chứa đầu nguồn (hồ Trị An, hồ Dầu tiếng) để xả nước xuống hạ nguồn nhằm đảm bảo nguồn nước trong những ngày nhiễm mặn, cùng với đó sử dụng nước cho các mục tiêu khác nhau một cách hiệu quả, tiết kiệm.

Kiểm tra chất lượng nước đảm bảo đủ tiêu chuẩn chất lượng trước khi cung cấp phục vụ người dân tại Nhà máy Nước Thủ Đức.

Trước đó, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đã ban hành kế hoạch đảm bảo cung cấp nước trong các dịp lễ, Tết cuối năm 2015 đầu năm 2016 và kế hoạch cấp nước cho mùa khô năm 2016. Trong đó có tính tới phương án phải điều tiết nước trên mạng lưới cấp nước cho phù hợp, đồng thời có các phương án vận hành các trạm giếng ngầm để đảm bảo cho việc cấp nước trong một số trường hợp khẩn cấp.

Tổng Công ty cũng đã có kế hoạch vận hành các trạm giếng ngầm trong một số trường hợp khẩn cấp khi nguồn nước mặt từ các sông bị ảnh hưởng lớn của ElNino. Hiện tại các trạm này đã không còn khai thác để đảm bảo cho chủ trương hạn chế khai thác sử dụng nước ngầm của thành phố.

Về lâu dài, Tổng Công ty cũng đã đề xuất Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn thành phố cần có các chỉ đạo cho các sở, ban, ngành để cùng phối hợp trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên nước cho các mục đích khác nhau, đặc biệt là trong mùa khô năm 2016 để đảm bảo sử dụng hợp lý và an toàn cho hệ thống cấp nước.

117 cán bộ, đảng viên được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng

Đảng ủy Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn vừa tổ chức lễ bế giảng lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng cho cấp ủy cơ sở trực thuộc Đảng bộ Tổng Công ty. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tổng Công ty Dương Hồng Đệ đã đến dự.

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn: Chủ động ứng phó khi nước nguồn biến động trong mùa khô ảnh 3

Ông Dương Hồng Đệ - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tổng Công ty trao tặng giấy biểu dương cho học viên có thành tích tiêu biểu

Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng kéo dài gần 1 tháng dành cho đối tượng là cấp ủy, các đồng chí được phân công phụ trách các mặt công tác tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra, dân vận và các đồng chí phụ trách công tác Đảng vụ của Đảng bộ, chi bộ cơ sở.

Tại buổi lễ, Đảng ủy Tổng Công ty đã biểu dương và khen thưởng cho 17 học viên có thành tích tiêu biểu của lớp bồi dưỡng, đồng thời cấp giấy chứng nhận cho 117 học viên tham gia khóa học. Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng giúp cấp ủy viên cơ sở nắm vững chức năng, nhiệm vụ, nghiệp vụ công tác Đảng, từ đó vận dụng vào thực tiễn của đơn vị để xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ, Đảng bộ, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

PV

ĐINH GIA ANH

Tin cùng chuyên mục