Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn: Đặt chất lượng nước lên hàng đầu

P.V
Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn: Đặt chất lượng nước lên hàng đầu

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) đang cung cấp nước sạch cho trên 90% dân số của TPHCM (bao gồm các nhà máy xử lý nước, các trạm cấp nước tập trung và hệ thống mạng lưới cấp nước). Do chất lượng nước ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân nên ngoài việc duy trì hệ thống cấp nước của thành phố được ổn định, liên tục về số lượng thì công tác để đảm bảo chất lượng ổn định là một trong những yêu cầu quan trọng được SAWACO đặt lên hàng đầu.

Giám sát chặt chẽ hơn quy định

Đối với hệ thống cấp nước do SAWACO quản lý, SAWACO triển khai công tác giám sát chất lượng nước sạch trên toàn hệ thống cấp nước theo hướng dẫn của bộ ngành chức năng. Cụ thể, tại các nhà máy xử lý nước hoặc các trạm cấp nước lớn (công suất ≥ 1.000m3/ngày đêm) sẽ được giám sát theo Thông tư số 04/2009/TT-BYT ban hành ngày 17/06/2009 về ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dùng ăn uống” QCVN 01:2009/BYT. Đối với những trạm cấp nước nhỏ (có công suất < 1000m3/ngày đêm) do Trung tâm nước sạch nông thôn chuyển về từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giám sát theo quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT.

Lãnh đạo đơn vị này thông tin thêm, tại các nhà máy xử lý nước do SAWACO thực hiện, việc kiểm tra các chỉ tiêu pH, độ đục, hàm lượng chlor dư được tiến hành hàng giờ. Cùng với đó, đơn vị cũng có hệ thống giám sát chất lượng nước liên tục ở các chỉ tiêu: độ đục, pH, chlor dư, Ammonia, độ mặn... Hàng tuần, phòng chức năng của SAWACO kiểm tra các chỉ tiêu theo tần suất A của QCVN 01:2009/BYT. Định kỳ hàng tháng Tổng công ty gửi mẫu nước sạch đến Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thực hiện để phân tích đối chứng. Ngoài ra, hàng tháng Trung tâm y tế dự phòng TPHCM tiến hành kiểm tra độc lập chất lượng nước sạch ra khỏi các nhà máy nước của Tổng công ty.

Lãnh đạo SAWACO khẳng định: chất lượng nước sạch ra khỏi các nhà máy nước luôn đạt theo QCVN 01:2009/BYT. Tuy nhiên, nhằm nâng cao chất lượng nước để cung cấp cho khách hàng, Tổng công ty còn ban hành tiêu chuẩn nội bộ có một số chỉ tiêu nghiêm ngặt hơn QCVN 01:2009/BYT như: pH (7.5 - 8.5 so với quy chuẩn 7 - 8.5), độ đục (<0.5 NUT so với quy chuẩn < 2NUT), hàm lượng sắt (< 0.1mg/L so với quy chuẩn < 0.3mg/L),…

Nhân viên kỹ thuật SAWACO đang làm công tác giảm thất thoát nước.

Tại các trạm cấp nước của Trung tâm nước sạch nông thôn do SAWACO tiến hành giám sát chỉ tiêu chlor dư, độ đục, hàm lượng sắt mỗi ngày. Trung tâm y tế dự phòng TPHCM cũng phối hợp kiểm tra giám sát độc lập chất lượng nước định kỳ 6 tháng 1 lần.

Song song đó, công tác giám sát chất lượng nước trên hệ thống mạng lưới cấp nước cũng được tiến hành nghiêm ngặt. Do chưa có quy định về tần suất và các chỉ tiêu giám sát chất lượng nước trên hệ thống mạng lưới cấp nước nên SAWACO lấy mẫu nước (theo hướng dẫn của WHO) một cách ngẫu nhiên trên mạng lưới cấp nước để giám sát với tổng số mẫu khoảng 1.400 mẫu/năm (nhiều hơn quy định 400 mẫu).

Khuyến cáo người dân tác hại sử dụng nước nhiễm bẩn

Cạnh đó, hàng tháng Trung tâm y tế dự phòng TPHCM cũng giám sát ngẫu nhiên các hộ dân sử dụng nước từ hệ thống cấp mạng lưới cấp nước. Theo kết quả đánh giá của Trung tâm y tế dự phòng thành phố thì hơn 95% các mẫu giám sát đều đạt QCVN 01:2009/BYT ở các chỉ tiêu tần suất A. Một số mẫu không đạt ở chỉ tiêu chlor dư và một vài mẫu bị nhiễm vi sinh (ở cuối nguồn nước). Đối với các mẫu không đạt này Tổng công ty đã phối hợp xử lý ngay khi có khuyến cáo từ phía trung tâm y tế dự phòng thành phố. Ngoài ra, Tổng công ty còn có một số vị trí giám sát chất lượng nước trực tuyến trên mạng lưới cấp nước tại các vị trí trọng yếu.

Trước thực tế TPHCM vẫn còn hàng chục ngàn hộ dân sử dụng nước giếng khoan không đảm bảo chất lượng mặc dù đã có nguồn nước sạch nên cùng với việc giám sát chặt chẽ chất lượng nước, SAWACO cũng khuyến cáo người dân về tác hại của việc sử dụng nguồn nước không đạt yêu cầu.

Niềm vui của người dân khi được sử dụng nguồn nước sạch.

Cụ thể, đối với nguồn nước có pH thấp (<6) thường xảy ra đối với nguồn nước giếng khai thác chưa qua quá trình xử lý. Hiện tại chưa có đánh giá chính thức về nguồn nước có nồng độ pH thấp ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào, nhưng các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo người dân nên sử dụng nước dùng cho ăn uống sinh hoạt ở mức kiềm nhẹ (pH trong khoảng 7 - 8.3) sẽ có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra khi hàm lượng pH thấp (<6) nước sẽ có tính acid gây tác dụng ăn mòn đối với các trang thiết bị sử dụng trong gia đình (như các vòi nước, vật dụng bằng sắt, nhôm,…).

Đối với nguồn nước bị nhiễm phèn (hàm lượng sắt và mangan) chưa có đánh giá chi tiết về hàm lượng các chất này sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào, nhưng với hàm lượng cao (Fe> 0.5mg/L và Mn > 0.3mg/L) sẽ gây ra hiện tượng lắng đọng cặn và ố vàng cho các trang thiết bị sử dụng. Đối với nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ (Ammonia) trong quá trình tồn tại ở dạng Ammonia không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng do chu trình của Nito, nên các chất amonia sẽ chuyển hóa thành các chất Nitrit hoặc Nitrat (là sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa Ammonia về dạng Nito tự do) sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

Trao nhà tình thương

Công đoàn cơ sở Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn vừa tổ chức trao tặng nhà tình thương cho anh Nguyễn Thành Hưng, ngụ tại ấp Phú Hòa, xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Gia cảnh anh Hưng neo đơn, mẹ mất sớm, bản thân anh bị bệnh tim nặng, mất sức lao động. Ngoài kinh phí đầu tư xây nhà 25 triệu đồng, đơn vị còn tặng anh Hưng nhiều phần quà và tiền mặt trị giá khoảng 10 triệu đồng. Đây là số tiền quyên góp từ tập thể người lao động tại đơn vị, thể hiện tinh thần hướng về cộng đồng của ngành cấp nước TP.

P.V


Đinh Gia Anh

Tin cùng chuyên mục