Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong vừa đề xuất TAND Tối cao và VKSND Tối cao có văn bản hướng dẫn hoặc kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép cán bộ, công chức công tác ngành thanh tra (gồm thanh tra Nhà nước và thanh tra chuyên ngành), công an được tham gia vào các vụ án hành chính với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kiện.
Người đứng đầu UBND TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, TAND Tối cao xem xét, kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 theo hướng bãi bỏ quy định cán bộ, công chức cơ quan thanh tra, cơ quan công an không được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện.
Đồng thời sửa đổi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 theo hướng bãi bỏ quy định người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó trực tiếp; bảo đảm người bị kiện được bình đẳng với người khởi kiện trong các vụ án hành chính.
Vì vậy, TAND các cấp không chấp nhận thanh tra Nhà nước và thanh tra chuyên ngành, lực lượng công an hoặc cán bộ, công chức công tác trong các cơ quan này tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kiện.
Ngoài ra, cán bộ, công chức ngành công an cũng không được tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích của người bị kiện. Trong khi công an các cấp có nhiệm vụ tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành quyết định hành chính trong nhiều lĩnh vực.
“Cán bộ, công chức công của thanh tra, công an là những người xử lý và hiểu rõ nhất các vụ việc đã tham mưu cho UBND cùng cấp nhưng không được tham gia tố tụng để bảo vệ quyết định hành chính, hành vi hành chính do mình tham mưu. Điều này gây khó khăn cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ cũng như đưa ra các căn cứ pháp lý bảo vệ quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận định.
Để xử lý trong các vụ án mà Chủ tịch UBND TP là người bị kiện, UBND TP thường giao cho UBND quận/huyện cử người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ tịch hoặc UBND TP. Điều này làm tăng áp lực cho các quận/huyện khi chủ tịch UBND các quận/huyện cũng đối diện với số vụ án hành chính rất lớn (chiếm 83% vụ án thụ lý mới).
Ngoài ra, việc tham gia tố tụng như trên mất nhiều thời gian và công sức do cán bộ, công chức thanh tra không được tham gia tố tụng mà phải chuyển hồ sơ cho bộ phận khác.
Bất cập này gây bất lợi cho cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ các quyết định hành chính, làm ảnh hưởng đến trật tự quản lý nhà nước, gây quá tải cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
Trước khi quy định này có hiệu lực (từ ngày 1-7-2016), UBND TPHCM đã tiên liệu các khó khăn sẽ gặp phải và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chánh án TAND Tối cao. Theo đó, UBND TPHCM nhận thấy việc yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương hoặc cấp phó trực tiếp tham gia đầy đủ các giai đoạn của tố tụng hành chính là không khả thi.
Thực tế thì từ ngày 1-7-2016 đến nay, TPHCM phải đối diện với gần 1.000 vụ án hành chính (trung bình gần 3 vụ/ngày) nên thủ trưởng cơ quan hành chính trên địa bàn TPHCM đang chịu áp lực rất lớn.
“Mỗi vụ án hành chính thường kéo dài từ 4 đến 6 tháng hoặc hơn 9 tháng nếu có quyết định tạm đình chỉ vụ án và người bị kiện phải tham gia nhiều giai đoạn, rất nhiều phiên từ hòa giải, cung cấp chứng cứ, đối thoại, xác minh và các phiên xét xử… Với mức độ quản lý, điều hành tại TPHCM, Chủ tịch UBND TP, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và chủ tịch UBND các quận huyện không thể xếp lịch làm việc theo lệnh triệu tập của TAND để tham gia tất cả các giai đoạn của gần 1.000 vụ án hành chính trong một năm làm việc”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phân tích.
Vì vậy, người bị kiện thường vắng mặt toàn bộ trong tất các trình tự thủ tục xét xử của các vụ án hành chính. Luật Tố tụng hành chính năm 2015 cho phép về sự vắng mặt này nhưng thực tế lại gây ra tâm lý tiêu cực cho người khởi kiện. Về lâu dài còn có khả năng bị các đối tượng lợi dụng, kích động và gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị.
Do đó, việc quy định và bắt buộc người bị kiện phải trực tiếp tham gia tố tụng, chỉ được ủy quyền cho cấp phó trực tiếp của mình mà không được ủy quyền cho cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu xử lý vụ việc để tham gia tố tụng, là không phù hợp với thực tiễn và yêu cầu công tác tại TPHCM.
Yêu cầu lý lịch tư pháp của cán bộ “bị kiện” là không ổn
Đặc thù của vụ án hành chính thì người bị kiện là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền của cơ quan Nhà nước. Khi tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kiện thì ngoài người bị kiện là thủ trưởng cơ quan, đơn vị bị kiện còn có sự tham gia cán bộ, công chức là người am hiểu lĩnh vực và nội dung vụ việc bị kiện.
Tuy nhiên, khi xét xử TAND yêu cầu cán bộ, công chức phải nộp lý lịch tư pháp (nhằm xác định xem người đó có vi phạm pháp luật hình sự hoặc có tiền án, tiền sự, chưa xóa án tích… hay không).
UBND TPHCM khẳng định, tại TPHCM cán bộ, công chức khi tham gia tố tụng không thể là người đang vi phạm pháp luật hình sự hoặc có tiền án, tiền sự, chưa xóa án tích… dẫn đến việc yêu cầu lý lịch tư pháp là không cần thiết, kéo dài thời gian chuẩn bị tham gia tố tụng.
Yêu cầu có lý lịch tư pháp gây chậm trễ, phiền hà vì phải làm thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư pháp theo quy định.
Thế nhưng, nếu cán bộ, công chức tham gia phiên tòa không có lý lịch tư pháp thì đại diện VKSND tại phiên xét xử kiến nghị hủy tư cách của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kiện. Có trường hợp thẩm phán không công nhận tư cách ngay tại và không hoãn phiên tòa khiến các cán bộ, công chức mất quyền trình bày tại phiên tòa và gây phương hại quyền, lợi ích của Nhà nước.
Vì vậy, UBND TPHCM đề xuất TAND Tối cao và VKSND Tối cao hướng dẫn áp dụng thống nhất không yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp đối với cán bộ, công chức làm người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kiện là cơ quan hành chính Nhà nước.