Tranh luận sôi nổi về chủ thể nào có quyền đề nghị trưng cầu ý dân

(SGGPO).– Chiều 3-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự Luật Trưng cầu ý dân. Đây là dự luật lần đầu tiên được trình lên Quốc hội để các đại biểu cho ý kiến, với nội dung quan trọng và người dân đặc biệt quan tâm. Các ĐBQH đều ủng hộ phải có luật này vì trưng cầu ý dân là hình thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp cao nhất của người dân. Tại tổ TPHCM, các ý kiến tranh luận rất sôi nổi.

Một trong các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau là chủ thể có quyền đề nghị  trưng cầu ý dân. Ban soạn thảo thiết kế hai phương án.

Một là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có quyền trình đề nghị trưng cầu ý dân.

Phương án hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoặc ít nhất 1/3 tổng số ĐBQH có quyền trình đề nghị trưng cầu ý dân.

Thẩm tra dự luật này, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đồng ý với phương án một. Chủ thể đề nghị trưng cầu ý dân đã được Quốc hội thảo luận và cân nhắc kỹ tại kỳ họp thứ 8 khi xem xét, thông qua Luật tổ chức Quốc hội.

Tuy nhiên, ý kiến các ĐBQH về vấn đề này còn rất khác nhau.  ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) chọn chọn phương án 2. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm lý giải, Thủ tướng Chính phủ với vai trò điều hành của mình sẽ có những vấn đề mà Thủ tướng thầy cần nhưng chưa chắc Chính phủ đã ủng hộ, vì vậy Thủ tướng nên được trao quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Tương tự, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (đại diện các tầng lớp nhân dân) cũng cần được trao quyền này, vì điều này thể hiện được vai trò của người dân trong việc trưng cầu ý dân. “Nếu như chưa chế định được việc bao nhiêu % người dân thì được đề nghị trưng cầu ý dân thì nên trao quyền này cho Trung ương MTTQ”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói. Đồng quan điểm này là ĐB Nguyễn Phước Lộc, Trần Hoàng Ngân (TPHCM), vì “ MTTQ khi đề nghị trưng cầu ý dân đã lấy ý kiến nhân dân”.

Tuy nhiên, ĐB Phạm Văn Gòn (TPHCM) lại lựa chọn phương án 1. Đặc biệt, theo phân tích của ĐB Trần Du Lịch (TPHCM), tất cả những vấn đề trưng cầu ý dân đều do Quốc hội quyết định, vì thế bổ sung thêm quyền đề nghị trưng cầu ý dân cho Thủ tướng, Chủ tịch nước là “bổ sung” Hiến pháp. Cái gì đã Hiến định thì phải tuân thủ.

Quan điểm của ĐB Trần Du Lịch không nhận được sự đồng tình của các ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trương Trọng Nghĩa. Một cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra tại phiên thảo luận của Đoàn ĐBQH TPHCM. Theo các ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trương Trọng Nghĩa, việc dự thảo luật đưa ra quy định Thủ tướng, Chủ tịch nước có quyền đề nghị trưng cầu ý dân không có gì là vi hiến. “Chỉ Quốc hội có quyền quyết định trưng cầu ý dân. Nhưng làm luật thì chúng ta có quyền bàn đến nội hàm ai có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Vì vậy, không có gì là vi hiến cả, bởi vì quyền quyết định là của Quốc hội, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể mở ra vấn đề ai có quyền đề nghị trưng cầu ý dân”, ĐB Quyết Tâm nói.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục