Tranh thủ ảnh hưởng Mỹ Latinh

Thủ tướng Shinzo Abe đang công du 5 nước Mỹ Latinh gồm Mexico, Trinidad và Tobago, Colombia, Chile và Brazil. Chuyến thăm diễn ra ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm 5 nước cũng tại khu vực này. Nhiều nhà quan sát gọi đây là cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng trên nhiều mặt giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại khu vực được mệnh danh là “sân sau của Mỹ”.

Tại Mexico, Thủ tướng Nhật Bản đã cùng Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto mở rộng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện bằng việc ký kết 14 hiệp định hợp tác, tập trung vào lĩnh vực kinh tế, khoa học - kỹ thuật và phát triển năng lượng chuyển đổi. Theo thống kê của Viện Thống kê và Địa lý quốc gia Mexico (INEGI), hiện nay, Nhật Bản là nhà đầu tư châu Á số 1 tại Mexico, chiếm tới 65% luồng vốn châu Á vào nền kinh tế thứ 2 Mỹ Latinh và hơn 800 doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại quốc gia Bắc Trung Mỹ này. Sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản ngừng sử dụng năng lượng hạt nhân nên nhu cầu có thêm nguồn cung cấp năng lượng trở nên bức bách hơn. Vì vậy, theo Japan Times, hợp tác năng lượng là chủ đề chính trong chuyến thăm Mỹ Latinh của Thủ tướng Abe. Theo thỏa thuận, Nhật Bản sẽ giúp Mexico đầu tư khai thác khí đốt và đến giữa những năm 2030, Nhật Bản bắt đầu nhập khẩu khí đốt của Mexico.

Quan trọng không kém là chuyện nâng kim ngạch thương mại. Hiện Nhật chỉ xuất khẩu 5% sang Mỹ Latinh và chỉ nhập 4% từ lục địa này, chủ yếu là nguyên vật liệu và nông phẩm. Thủ tướng Abe sẽ thảo luận với lãnh đạo các nước Mexico, Chile, Colombia, ba nước đang tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với Nhật Bản để sớm hoàn tất hiệp định này. Theo báo Yomiuri Shimbun, trong cuộc gặp với Tổng thống Brazil Dilma Rousseff vào ngày 1-8 , Thủ tướng Nhật Bản sẽ công bố dự án cải thiện đường sắt, đường giao thông, cảng để thuận lợi cho việc xuất khẩu ngũ cốc nhiều hơn.

Trinidad và Tobago sẽ là một điểm dừng quan trọng của ông Abe. Tại đây, ông sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất Nhật Bản - Cộng đồng Caribbean (CARICOM). Nhật Bản có kế hoạch công bố hỗ trợ kỹ thuật khối CARICOM trong ba lĩnh vực: năng lượng, thủy sản và phòng chống thiên tai. Ngoài ra, sự ủng hộ của 14 thành viên CARICOM làm tăng thêm phiếu bầu để Nhật Bản có thể trở thành thành viên không thường trực HĐBA LHQ trong năm 2015. Theo báo Asahi, Trung Quốc đã có bước đi xa hơn trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình khi đã thiết lập diễn đàn Trung Quốc - Cộng đồng Mỹ Latinh CELAC (gồm 33 quốc gia Trung và Nam Mỹ) với cam kết từ Bắc Kinh cung cấp 10 tỷ USD vào các dự án hạ tầng của CELAC.

Báo Asahi dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết: “Mỹ Latinh là khu vực mà cho tới nay, chúng tôi chưa chú trọng trong chính sách ngoại giao chiến lược của Nhật Bản”. Chuyến thăm Mỹ Latinh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thu về nhiều hợp đồng lên đến hàng chục tỷ USD, trong đó có việc Trung Quốc cam kết đầu tư vào ngành năng lượng và giao thông Argentina 7,5 tỷ USD và tài trợ việc thăm dò dầu mỏ tại khu vực vịnh Mexico. Công bằng mà nói, quan hệ nhiều mặt giữa Nhật Bản với các nước Mỹ Latinh vẫn chưa thể bắt kịp Trung Quốc với khu vực này, nhưng muộn còn hơn không. Báo Pháp Les Echos dẫn lời chuyên gia Eric Boulanger làm việc tại đại học Québec-Montréal, nhận định đây còn là mũi tên thứ ba trong chính sách kinh tế Abenomics: mở cửa kinh tế cho cạnh tranh quốc tế”.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục