Dạo trước, Bộ Giáo dục - Đào tạo có một quy định liên quan đến đồng phục, lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên, đặc biệt là nữ, dù được coi là góp phần giữ thuần phong mỹ tục trong nhà trường khiến nhiều người cảm thấy băn khoăn. Đó là vì sao bộ lại quan tâm đến việc nữ sinh mặc váy dài đến đâu, hay dựa vào căn cứ nào (pháp lý, khoa học, thẩm mỹ…) để buộc nữ sinh không được mặc váy trên gối? Thậm chí, nếu nữ sinh vì lý do gì đó không thực hiện được thì xử phạt ra sao, liệu có phù hợp với các quy định pháp luật khác không?…
Tư duy cụ thể buộc từng địa phương, thậm chí từng cá nhân, hy sinh cái đặc thù riêng vốn có của mình, mà có khi chính điều đó là bất khả kháng hoặc có thể tạo nên thế mạnh. Trên thực tế, việc quản lý cần có tính khái quát cao để có thể áp dụng cho tất cả mọi đối tượng hay ít nhất cũng số đông đối tượng. Còn nếu nêu cụ thể, thì sẽ có bao nhiêu cái cụ thể, cái chi tiết để điều chỉnh toàn xã hội ở tất cả các lĩnh vực? Và ngoài ra, nếu đi vào quá cụ thể thì một mặt dễ thực hiện (vì chiếu theo cái cụ thể đó) nhưng mặt khác lại có thể bỏ sót nhiều trường hợp (vì quy định có thể không thể điều chỉnh được tất cả) và nhất là có thể làm quy định sớm bị lỗi thời (vì thực tiễn luôn diễn tiến nhanh hơn quy định và thường xuyên thay đổi).
Nói vậy, không có nghĩa là không cần nêu cụ thể. Trên thực tế, cụ thể là yêu cầu không thể thiếu trong quản lý nhà nước, nhất là trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Chẳng hạn, quy định về độ tuổi trong Luật Hình sự là yêu cầu tối quan trọng để xác định tội danh và khung hình phạt. Hay quy định về vận tốc trong luật giao thông cũng là căn cứ cần thiết để xác định mức phạt tiền và biện pháp phạt bổ sung (nếu có)… Tuy nhiên, cần có nghiên cứu thấu đáo để xác định nội dung nào thì cần nêu cụ thể, nội dung nào thì chỉ nên nêu khái quát.
Bên cạnh đó, trước khi ban hành một văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính, cơ quan ban hành cũng cần tìm hiểu kỹ các trường hợp đặc thù, các “ngoại lệ” (nếu có) để xác định tính phổ biến cao nhất của quy định đó có thể làm tăng hiệu lực quản lý nhà nước.
Trịnh Minh Giang (Thủ Đức)