Trao quyền, xin đừng lạm quyền

Có quyền yêu hoặc ghét, thích hoặc không thích, nhưng khi nắm trong tay “quyền lực mềm”, khán giả luôn cần góp ý thấu tình đạt lý, hành xử chín chắn để góp phần mang đến nhiều tác động tích cực, không chỉ cho môi trường nghệ thuật.

Thư ngỏ đăng trên fanpage chính thức HTV (Đài Truyền hình TPHCM) vào ngày 4-7, sau khi đơn vị này phát sóng chương trình có sự tham gia của Hồng Phượng - cháu gái cố NSƯT Vũ Linh, đã nhận được lượng tương tác lớn, với hàng ngàn bình luận. Trong đó, bên cạnh những ý kiến đòi tẩy chay, cấm sóng, không ít khán giả nhìn nhận khách quan: mong nhà đài xem xét đóng góp, suy xét tận tường và tôn trọng ý kiến khán giả.

Cùng thời điểm, thông tin bộ phim Barbie bị cấm phát hành tại thị trường Việt Nam vì có hình ảnh “đường lưỡi bò” cũng nhận được nhiều sự đồng thuận. Trong đó, đa phần ủng hộ quyết định kịp thời và chính xác từ Cục Điện ảnh. Sự việc thứ 3, liên quan đến tour diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc, Blackpink, tại Việt Nam đã được cấp phép tổ chức tại Trung tâm liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình vào ngày 29 và 30-7. Có lẽ niềm vui và sự háo hức của người hâm mộ Việt sẽ trọn vẹn hơn nếu không có sự việc trên trang chủ của đơn vị tổ chức lại đăng bản đồ có hình ảnh “đường lưỡi bò”. Hình ảnh này bị cộng đồng mạng chụp lại, dù sau đó đã được ẩn đi. Một làn sóng tranh cãi trái chiều chưa có hồi kết vẫn đang diễn ra...

3 sự việc diễn ra cùng thời điểm, có thể khác nhau về tính chất và mức độ ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu xâu chuỗi lại, sẽ thấy mối liên quan mật thiết. Bởi, trong cả 3 câu chuyện trên, đối tượng thụ hưởng chính là khán giả, dù ít hay nhiều đều có ảnh hưởng. Trong từng trường hợp, quyết định cuối cùng dĩ nhiên thuộc về phía cơ quan chức năng hay cơ quan chủ quản. Như trường hợp của bộ phim Barbie, tính pháp lý đã được thực thi đúng lúc với quan điểm rõ ràng, nhất quán. HTV cũng tiếp nhận ý kiến đóng góp của khán giả và gỡ nội dung chương trình có sự tham gia của Hồng Phượng. Vụ việc tour diễn của Blackpink, Bộ VH-TT-DL cũng đã vào cuộc xác minh, chờ kết luận cuối cùng.

Hiện nay, trong xu thế mở, khán giả có quyền bày tỏ quan điểm với bất kỳ vấn đề nào của đời sống xã hội; ủng hộ cũng có, phản đối hay tẩy chay cũng không ít. Thậm chí, một bộ phận không nhỏ, không cần hiểu bản chất vấn đề cũng sẵn sàng… “té nước theo mưa”. Họ có thể vừa ủng hộ nhưng lập tức lại “quay xe” theo đám đông, “tấn công” hội đồng. Nhiều người còn không ngần ngại sử dụng những từ ngữ mạt sát, miệt thị, không cần biết phản ứng của đối tượng tiếp nhận.

Có một vấn đề cần được nhìn nhận: “quyền lực mềm” của khán giả trong những trường hợp này, được phát huy tối đa như thế nào? Nhiều trường hợp, sự lên tiếng kịp thời và đúng lúc của khán giả, người hâm mộ đã phát huy tác dụng, góp phần làm trong sạch môi trường showbiz (giới giải trí). Người hâm mộ đóng vai trò “người gác cổng” đầy trách nhiệm khi phát hiện những bộ phim hay đơn vị tổ chức sự kiện có cài cắm hình ảnh “đường lưỡi bò”. Đó là sự vào cuộc cần thiết!

Nhưng, liệu rằng có bao nhiêu người trong số họ sẽ tự đặt câu hỏi cho chính mình và đắn đo rằng: những gì mình bình luận trên mạng xã hội, kể cả lên án và ủng hộ, đã chín chắn, thấu tình, đạt lý chưa? Tẩy chay, phê phán hay ủng hộ đều cần thái độ khách quan, văn minh, có căn cứ và mang tinh thần xây dựng. Một bình luận không chỉ tác động đến cá nhân, một nhóm người, mà có thể lan ra rộng đến cả cộng đồng. Việc như ở bộ phim Barbie, tour diễn của Blackpink còn liên quan đến vấn đề bất khả xâm phạm - là chủ quyền quốc gia, dân tộc. Khi được trao quyền, cần nhiều hơn những hành động quyết liệt, đôi khi dám nói không và biết từ chối.

Tin cùng chuyên mục