Phụ huynh thiếu quan tâm
Tại TPHCM, vào năm học mới, nhiều phụ huynh vẫn không đội NBH cho con khi đưa đón con đi học bằng xe máy. Trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1), giờ tan học, hàng dài phụ huynh dựng xe trước cổng trường đợi con, nhưng không mấy người mang theo NBH. Khi học sinh ùa ra, cứ thế leo lên xe ngồi, nhiều phụ huynh nhanh chóng phóng xe lao trên đường phố, bất chấp trẻ ngồi chênh vênh phía sau, đầu trần, vừa ngồi xe vừa nghịch. Chỉ một phần học sinh ngồi xe máy có đội NBH, còn phần lớn cứ để đầu trần. Được hỏi sao không đội NBH cho con, một phụ huynh tên Thủy chống chế: “Người lớn không đội NBH vì sợ cảnh sát giao thông (CSGT) phạt chứ trẻ con thì sợ gì, bắt nó đội chi cho mệt đầu”. Thấy vậy, một phụ huynh đứng bên cạnh góp chuyện: “Nhà tôi chỉ cách trường chừng 2 cây số, chạy xe vài phút là tới nơi, đội NBH mất công đeo vô tháo ra”.
Cũng có nhiều học sinh trường THPT tự đi học bằng xe máy hay xe điện không đội NBH. Quan sát tại cổng Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh) vào giờ tan học, có thể thấy nhiều học sinh ra con hẻm bên hông trường lấy xe gửi ở nhà dân rồi cùng nhau phóng như bay trên đường mà không đội NBH. Người dân sống gần trường cho biết, nhà trường có bắt buộc học sinh phải đội NBH khi đi xe máy, xe điện, những trường hợp không đội NBH mà vào bãi gửi xe trong trường sẽ bị phê bình, nên nhiều học sinh đem xe ra ngoài gửi để né đội NBH. Tại Trường THPT Marie Curie (quận 3), Nguyễn An Ninh (quận 10), Thủ Thiêm (quận 2)…, dù số học sinh chấp hành đội NBH cao nhưng đó chỉ là hình ảnh trước cổng trường, còn khi ra khỏi cổng trường thì nhiều em tháo NBH rồi vừa phóng xe vừa đùa giỡn trên đường phố.
Nhiều biện pháp nhưng thiếu hiệu quả
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, mới chỉ có khoảng 35 - 40% trẻ em đội MBH khi ngồi xe máy. Trước thực trạng đó, khi bước vào năm 2018, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chọn chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em”, nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh trong việc bảo vệ an toàn sức khỏe cho con em mình, đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt 80% trẻ em đội NBH khi ngồi xe máy. Hưởng ứng phong trào này, Công ty Honda Việt Nam đã kết hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tặng gần 2 triệu NBH cho học sinh lớp 1 trên cả nước khi vừa vào năm học 2018-2019.
Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TPHCM cũng tặng 1.000 NBH cho trẻ em và mở đợt cao điểm xử lý các trường hợp vi phạm quy định về việc đội NBH cho trẻ em (từ 6 tuổi trở lên) từ ngày 26-8 đến 30-9. Quy định về xử phạt các trường hợp không đội NBH cho trẻ ngồi trên xe máy không mới, trước đó Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã được thực thi với nhiều đợt cao điểm ra quân xử lý vi phạm, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Riêng tại TPHCM, cuối tháng 5-2018, Sở GD-ĐT TPHCM đã triển khai Kế hoạch 1777/KH-GDĐT-CTTT về việc tăng cường thực hiện quy định bắt buộc đội MBH cho học sinh - sinh viên giai đoạn 2018-2020. Theo đó, bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở học sinh trong các buổi sinh hoạt, chào cờ về việc đội NBH, Sở còn yêu cầu 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện ký kết với cha mẹ học sinh về việc đội mũ bảo hiểm cho con em khi tham gia giao thông trong cuộc họp phụ huynh vào mỗi đầu năm học; xử lý kỷ luật phù hợp với những trường hợp học sinh vi phạm an toàn giao thông để kịp thời nhắc nhở, giáo dục học sinh…
Qua khảo sát, các học sinh và phụ huynh đều cho biết nhà trường, giáo viên chủ nhiệm liên tục nhắc nhở học sinh và yêu cầu phụ huynh cam kết đội NBH cho trẻ khi đi học. Tuy nhiên thực tế, phần lớn học sinh vẫn đầu trần ngồi trên xe máy; nhiều phụ huynh vẫn chở 2 - 3 con đều không đội NBH. Thực tế, hầu hết trường hợp chở học sinh không đội NBH đều được CSGT châm chước. Thời điểm học sinh tới lớp hoặc tan học đều là giờ cao điểm, lực lượng trực chốt chủ yếu tập trung phân luồng giao thông để tránh kẹt xe, nên không thể xử lý các trường hợp vi phạm, chính điều này khiến phụ huynh lờn luật, không chú ý đội NBH cho trẻ.
An toàn cho con trẻ cũng là góp phần xây dựng tương lai phồn thịnh, trong khi bản thân trẻ chưa đủ khả năng nhận thức tự bảo vệ bản thân, ngoài nỗ lực tuyên truyền vận động của các đơn vị liên quan, thì trách nhiệm, ý thức của phụ huynh mới là yếu tố quyết định. Do đó, để bảo vệ an toàn, sức khỏe, tính mạng của con em mình, phụ huynh nên trang bị NBH đạt chất lượng cho con và thường xuyên nhắc nhở, giám sát trẻ chấp hành quy định đội NBH mỗi khi ngồi trên xe máy.