Nhiều diện tích ruộng vườn, vuông tôm, ao cá mênh mông ở ĐBSCL đang bị nông dân bỏ không. Một phần do dịch bệnh, đầu tư nuôi trồng mang lại hiệu quả kinh tế thấp nhưng một phầm còn do một nguyên nhân rất đáng lo ngại là nạn trộm nông thủy sản đang hoành hành.
- Lực cản phát triển kinh tế nông hộ
Thật chua xót khi về nhiều vùng nông thôn - nơi đã từng nhiều năm yên bình, không tệ nạn xã hội - lại phải nghe than phiền về nạn trộm nông thủy sản ngày càng lộng hành. Bằng các biện pháp chích điện, câu, đâm bằng chĩa, kéo lưới…, bọn trộm bắt tất cả những con cá giống không kể lớn nhỏ. Nhà ai có chó, mèo, chim, thú quý hay gà vịt là bị kẻ gian rình rập bắt sạch. Vườn nhà ai có cây trái ngon đến độ thu hoạch, chúng đều biết trước và “thu hoạch giùm” sạch trơn, chủ vườn chỉ còn biết kêu trời. Bởi dù có biết kẻ cắp, thậm chí có bắt được thủ phạm giải giao công an cũng chẳng làm gì được mà còn phải nơm nớp lo sợ chúng sẽ trả thù, thiệt hại thêm nhiều hơn.
Và cứ thế, lâu ngày người tốt dần sợ kẻ xấu và không ít người tốt cũng dần dần biến thành kẻ xấu. Từ trộm cắp vặt, kẻ gian dần tập hợp thành lực lượng đông đảo manh động; giữa ban ngày ngang nhiên ùa vào cướp nông thủy sản ngay trên đồng ruộng, ao hồ. Ở các bãi nuôi nghêu vẫn thường xảy ra tình trạng cả ngàn người từ nơi khác kéo đến táo tợn cướp nghêu.
Hiện nay tại nhiều vùng nông thôn, nạn trộm cắp nông thủy sản đã trở thành lực cản sự phát triển kinh tế nông hộ, triệt tiêu động lực tự xóa đói giảm nghèo của phần lớn bà con nông dân, gây nhiều mâu thuẫn trong nội bộ nông dân và giữa các vùng nông thôn, cản trở tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến nạn trộm cắp vặt thường xuyên xảy ra là do tệ bài bạc, đánh đề, đá gà vẫn tràn lan tại nhiều vùng quê. Đang có một thực tế là hiện nay phần lớn những thanh niên có sức khỏe tốt, có ý thức sống lương thiện bằng sức lao động đều đã rời nông thôn đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp ở các thành phố lớn nên tại nhiều hộ ở nông thôn chỉ còn người già, không đủ khả năng tự vệ và canh phòng bảo vệ tài sản nuôi trồng, do đó bọn trộm tha hồ lộng hành.
- Xây dựng sức mạnh đoàn kết
Đã đến lúc cần xem xét, điều chỉnh lại những quy định xử lý của luật pháp cho có hiệu quả hơn để đủ tác dụng ngăn chặn, răn đe đối với hành vi trộm cắp vặt và phá hoại sản xuất mang tính trả thù cá nhân ở nông thôn. Bởi tuy mức thiệt hại vật chất của từng vụ việc không quá lớn nhưng nạn trộm cắp nông thủy sản gây ức chế tinh thần, ngày càng tác động nặng nề lên ý chí tự vươn lên phát triển kinh tế hộ của cộng đồng. Nếu không sớm giải quyết được vấn nạn này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ và hình thành nên lối sống ích kỷ của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên nông thôn. Người dân sẽ suy giảm lòng tin, không còn xem pháp luật là chỗ dựa công bằng, bảo vệ hữu hiệu lợi ích chính đáng cho mình.
| |
Trong khi chờ đợi pháp luật có những chế tài phù hợp hơn, đủ sức răn đe tội phạm, bà con nông dân trong từng xóm ấp nên hình thành tổ, nhóm sản xuất, hội nghề nghiệp, trên cơ sở bố trí phân vùng nuôi trồng sản xuất cây con, để tạo thành sức mạnh đoàn kết, tương trợ, bảo vệ thành quả sản xuất.
Ngoài ra, rất cần có sự hỗ trợ tích cực và có trách nhiệm hơn từ phía chính quyền và công an địa phương; trong đấu tranh chống tội phạm, phải xử lý nghiêm minh, tránh kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”. Những người tốt ở từng xóm ấp phải đoàn kết, dũng cảm và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm một cách không khoan nhượng trong khuôn khổ tôn trọng luật pháp và có sự ứng cứu kịp thời của chính quyền và công an. Có như vậy xóm làng mới an cư lạc nghiệp và xây dựng nông thôn mới được.
NGUYỄN VĂN THƯỚC