Trồng rừng cũng bị thu hồi

Bình Phước từng là một trong những tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất cả nước, nhưng kể từ khi có chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp thì diện tích rừng bị suy giảm nghiêm trọng. 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ cấm chuyển đổi rừng tự nhiên dưới bất cứ hình thức nào, một số doanh nghiệp ở địa phương đã ý thức tầm quan trọng của việc trồng lại rừng, góp phần tái tạo tài nguyên rừng.

Năm 2011, Công ty SXKD-TM-NN Hải Vương (Công ty Hải Vương), trụ sở tại thị xã Bình Long, Bình Phước được Bộ Chỉ huy (BCH) Quân sự tỉnh Bình Phước ủy quyền lập dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su ở các khoảnh 2, 3, 5, 6, 7, 8, 9 (tiểu khu 363, thuộc Ban quản lý rừng Suối Nhung). Diện tích tạm tính khoảng 176ha. Đến tháng 7-2014, Công ty Hải Vương đã hợp đồng với Công ty TNHH MTV Phát Lộc (Công ty Phát Lộc) - đơn vị chuyên doanh khai thác, vận chuyển lâm sản, trồng rừng, chế biến lâm sản để triển khai dự án. Nội dung hợp đồng ghi rõ rằng: bên Công ty Hải Vương giao cho Công ty Phát Lộc “đảm nhận thực hiện các nội dung liên quan đến việc lập hồ sơ pháp lý, ủi khai hoang và trồng mới cây cao su tại các khoảnh 2, 3, 5, 6, 7, 8, 9 tiểu khu 363 tại Ban quản lý rừng Suối Nhung theo diện tích BCH Quân sự tỉnh bàn giao tại hiện trường, tạm tính 176ha”. Chi phí do Công ty Phát Lộc bỏ ra, gồm ủi khai hoang, trồng mới, chăm sóc cao su, số tiền 4.179.648.000 đồng và chi phí lập thủ tục pháp lý hơn 439.240.000 đồng.

Công ty Phát Lộc đã hợp đồng với Trung tâm Quy hoạch khảo sát thiết kế nông lâm nghiệp và phối hợp với các đơn vị chức năng, trong đó có BCH Quân sự tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh để triển khai. Công ty Phát Lộc đã được BCH Quân sự tỉnh ủy quyền lập hồ sơ thiết kế tại các khoảnh rừng thuộc tiểu khu 363 nói trên và khoảnh 2, 3, 4, 5, 7 thuộc tiểu khu 389. Tính đến khi Chính phủ có Thông báo số 511/TB-VPCP (ngày 1-11-2017) về đóng cửa rừng tự nhiên, Công ty Phát Lộc đã tổ chức khai hoang được 47ha. 

Do vướng mắc giữa Công ty Hải Vương và BCH Quân sự tỉnh Bình Phước, Công ty Hải Vương vẫn chưa thanh toán chi phí cho Công ty Phát Lộc. Trong khi chờ đợi, phía Công ty Phát Lộc đã tranh thủ trồng điều và cây rừng, gồm gõ đỏ, cẩm lai xen điều với mục đích lấy ngắn nuôi dài, thực hiện chủ trương trồng lại rừng của tỉnh. Ngày 15-3-2017, Tỉnh ủy Bình Phước đã có thông báo kết luận của Bí thư Tỉnh ủy tại buổi tiếp doanh nghiệp, ghi rõ: “Đối với các diện tích đất đã khai thác gỗ, đề nghị UBND tỉnh căn cứ quy định để giao Công ty Hải Vương trồng lại rừng”. 

Đến nay, cây rừng trên diện tích 47ha sinh trưởng tốt, chiều cao bình quân 2,5-3m. Đại diện Công ty Phát Lộc cho biết, tổng số tiền thực tế bỏ ra để khai hoang, trồng lại rừng là hơn 9 tỷ đồng (chưa tính lãi suất ngân hàng) và công ty phải rất khó khăn xoay xở kinh phí để trả công chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng trồng. Tuy nhiên, gần đây Công ty Phát Lộc lại bị Hạt kiểm lâm và UBND huyện Đồng Phú cho rằng công ty có hành vi phá rừng, cần thu hồi toàn bộ diện tích rừng trồng của công ty để UBND tỉnh giao đất cho một công ty chăn nuôi!?

Công ty Phát Lộc mong muốn được tỉnh xem xét cho thuê đối với diện tích rừng mà công ty đã hợp đồng với Công ty Hải Vương để tiếp tục chăm sóc diện tích 47ha rừng trồng mà công ty đã bỏ vốn thực hiện. Trong trường hợp tỉnh muốn thu hồi rừng đã trồng để giao đất cho doanh nghiệp khác thì cần xem xét hoàn trả chi phí thực tế và lãi ngân hàng mà Công ty Phát Lộc đã đầu tư trồng 47ha rừng trong những năm qua.

Tin cùng chuyên mục