Ngày thứ 8 xét xử Nguyễn Lâm Thái và đồng phạm

“Trùm” lừa đảo Nguyễn Lâm Thái bị đề nghị mức án chung thân

VNPT “mù mờ” về giá trị thiệt hại

Hôm qua 23-4, trong ngày làm việc thứ 8, HĐXX dành phần lớn thời gian để đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai, thừa ủy quyền của VKSND Tối cao công bố bản luận tội và đề nghị mức án dành cho các bị cáo. Tuy nhiên, trước khi chuyển sang phần luận tội, trong phiên thẩm vấn đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), tham dự phiên tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự vào đầu giờ sáng qua đã khiến những người dự khán không khỏi bất ngờ về những câu trả lời khá “mù mờ” về con số thiệt hại mà VNPT gánh chịu trong vụ án này.

VNPT “mù mờ” về giá trị thiệt hại

Trả lời thẩm vấn của HĐXX và luật sư về việc xác định cụ thể con số thiệt hại của VNPT trong vụ án này, ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng Giám đốc VNPT, đại diện của VNPT đã tỏ ra lóng ngóng và “mù mờ”. Ông Đức cho rằng VNPT không xác định được con số thiệt hại là bao nhiêu nên tất cả đều trông chờ vào sự phán quyết của tòa để có thể thu hồi được số tài sản của nhà nước bị thiệt hại.

Ông Đức cũng thừa nhận, mặc dù ra tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự nhưng phía VNPT vẫn chưa có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại cũng như xác định đối tượng phải bồi thường thiệt hại cho VNPT. Cái cách trả lời khá “mù mờ” của vị đại diện VNPT đã buộc vị công tố nhắc lại và nhấn mạnh: “Sau khi có cáo trạng, VKSND Tối cao gửi cho VNPT, ngay sau đó VNPT có văn bản xác nhận con số thiệt hại là 47 tỷ đồng, trong đó có các bưu điện đã khắc phục trên 35 tỷ đồng, còn hơn 11 tỷ đồng hiện các Bưu điện An Giang và Ninh Thuận chưa khắc phục xong. Tôi nhắc như vậy để ông nhớ rằng số tiền thiệt hại đã được chúng tôi xác định rõ trong cáo trạng và VNPT không thể nói là không thể xác định con số thiệt hại”.

Còn khi trả lời các luật sư về đâu là con số thiệt hại chính xác là 24 tỷ hay 47 tỷ đồng, vị đại diện VNPT trả lời lòng vòng và không xác định được con số nào là đúng. Tuy nhiên khi luật sư Trương Thị Hòa hỏi dựa vào cơ sở nào VNPT tính được thiệt hại là 47 tỷ đồng thì vị đại diện VNPT lại cho rằng căn cứ vào kết quả thẩm định giá của cơ quan điều tra. Liên quan đến trách nhiệm của VNPT trong vụ án này, ông Đức cho rằng việc để 33 giám đốc, cán bộ của 12 bưu điện phải hầu tòa cũng như gây ra thiệt hại tài sản cho nhà nước là có trách nhiệm của VNPT khi công tác thanh tra, kiểm tra hàng năm đã không sớm phát hiện ra sai phạm và yếu kém trong tổ chức… Nhưng khi các luật sư hỏi thẳng trách nhiệm cụ thể của VNPT là gì thì vị đại diện lại nói lòng vòng, xem đây là bài học đắt giá của ngành và đang kiện toàn công tác tổ chức…

VKS: “Quan” bưu điện mắc lỗi cố ý chứ không phải vô ý!

Trong bản luận tội dài 72 trang đánh máy, các công tố viên lần lượt nêu rõ tội trạng của từng bị cáo trong vụ án này. Theo đó, đối với hành vi phạm tội lừa đảo, tại tòa Nguyễn Lâm Thái liên tục phản cung, phủ nhận lời khai nhận tội tại cơ quan điều tra về việc đã sử dụng các thủ đoạn gian dối để bán được hàng cho các bưu điện với giá nâng khống; cho rằng đã bị CQĐT sử dụng can phạm cùng buồng tạm giam đánh để ép khai nhận; không có sự đe dọa khi giao kết hợp đồng và bán được giá cao là do chế độ hậu mãi tốt, sản phẩm phù điêu có giá trị về trí tuệ...

Nhưng theo cơ quan công tố, lời phản cung của bị cáo này là không có cơ sở chấp nhận do hành vi, thủ đoạn gian dối của Nguyễn Lâm Thái và các đồng phạm trong quá trình ký hợp đồng mua bán hàng hóa, thiết bị vật tư với các bưu điện là vi phạm pháp luật, không có giá trị thực hiện, các hóa đơn GTGT phản ánh giá trị tiền hàng trong hợp đồng do Thái tạo dựng không có giá trị để thanh toán và quyết toán... Vì vậy việc Nguyễn Lâm Thái và luật sư bào chữa trình bày tại phiên tòa là các bưu điện đã tự nguyện ký hợp đồng và đã thanh toán đầy đủ cho Thái nên Thái không phạm tội lừa đảo là không có căn cứ chấp nhận.

Đối với nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ bưu điện, cơ quan công tố xác định hành vi phạm tội là cố ý chứ không phải vô ý như các bị cáo khai nhận tại tòa. Về trách nhiệm của VNPT, theo đại diện cơ quan công tố, để xảy ra vụ án này ở các bưu điện có phần thuộc trách nhiệm của VNPT. Là tập đoàn kinh tế lớn thứ hai của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực được Chính phủ xác định là mũi nhọn, được ưu tiên đầu tư phát triển nhưng VNPT còn những tồn tại như chưa thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng đối với cán bộ chủ chốt; việc giám sát trong quản lý chung chưa sát, không có những cách đổi mới trong thanh kiểm tra dẫn đến sai phạm của cấp dưới tồn tại trong thời gian dài...

Cơ quan công tố cũng bác yêu cầu xem xét lại cách tính thiệt hại mà các bị cáo và luật sư và khẳng định việc giám định thiệt hại trong vụ án này đúng quy định pháp luật, thậm chí cơ quan điều tra còn tính lợi cho các bị cáo khi đã trừ đi tiền chi phí vận chuyển hàng hóa, nên không cần xem xét lại…

Cơ quan công tố đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Lâm Thái mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 6-7 năm tù về tội “Trốn thuế”, 12 năm tù về tội “Lưu hành các giấy tờ có giả khác”. Tổng hợp hình phạt, Nguyễn Lâm Thái bị đề nghị mức phạt tù chung thân. Ngoài mức án đề nghị dành cho Nguyễn Lâm Thái, công tố viên đề nghị tuyên phạt nhóm các bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế và lưu hành giấy tờ có giá giả khác mức án từ 5 đến 12 năm tù. Nhóm bị cáo nguyên là cán bộ Trung tâm Thẩm định giá Bộ Tài chính, Chi cục Thuế quận Đống Đa Hà Nội bị đề nghị mức án từ 30 tháng đến 5 năm tù. Nhóm các bị cáo nguyên là giám đốc, cán bộ các bưu điện bị đề nghị mức án từ 30 tháng tù đến 8 năm tù về tội danh cố ý làm trái.

Hôm nay (24-4), tòa tiếp tục làm việc với phần tham gia bào chữa của các luật sư.

Vĩnh Nguyên

Xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn

- Kêu oan tội danh, xin xem lại thiệt hại

- “Điệp khúc” so bì và đổ lỗi

- Nguyên lãnh đạo bưu điện các tỉnh “đòi công bằng”!

- “Thầy đổ bóng, bóng đổ thầy”!

- Tòa xét hỏi các bị cáo mua bán hóa đơn, cán bộ thuế, tài chính tiếp tay cho Nguyễn Lâm Thái

Tin cùng chuyên mục