Xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn - Kêu oan tội danh, xin xem lại thiệt hại

Trong buổi sáng ngày thứ bảy phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn 18-4, HĐXX thẩm vấn các bị cáo nguyên là lãnh đạo 3 bưu điện còn lại là Bưu điện tỉnh Vĩnh Long, Bưu điện tỉnh Trà Vinh, Bưu điện tỉnh Thái Nguyên.

Mua cho có “hội”

Tương tự các cựu đồng nghiệp trong những ngày thẩm vấn trước, các bị cáo nguyên là lãnh đạo bưu điện các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Thái Nguyên đều kêu oan về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, cho rằng mình phạm tội do chủ quan và do tin tưởng vào cấp dưới.

Được hỏi vì sao đồng ý ký hợp đồng mua vật tư, thiết bị với các công ty của Nguyễn Lâm Thái, các bị cáo này đều có chung câu trả lời: ngoài việc có văn bản của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam, bản thẩm định giá của Bộ Tài chính còn do thấy các bưu điện khác đã ký hợp đồng với Thái nên quyết định mua theo luôn. Các bị cáo cũng tranh thủ kể lể về thành tích cá nhân của mình để mong HĐXX xem xét làm tình tiết giảm nhẹ.

Cơ quan điều tra sử dụng quy trình ngược (?!)

Không chỉ cảm thấy oan ức về tội danh, các bị cáo trong ngày xét xử hôm qua cũng xin HĐXX cho giám định lại hậu quả thiệt hại từ các hợp đồng ký kết với Nguyễn Lâm Thái để có kết quả chính xác hơn. Theo các bị cáo, tổ giám định đã không tính đến nhiều loại chi phí, chưa trừ phần thuế GTGT mà bưu điện đã nộp đầy đủ cho nhà nước cũng như chưa trừ giá trị các hợp đồng mua phù điêu.

Đáng chú ý là qua phần thẩm vấn bị cáo Lâm Minh Thủy (thời điểm phạm tội là Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Trà Vinh), luật sư Nguyễn Hồng Bách bất ngờ nêu ra một chi tiết: cơ quan điều tra đã có được kết quả giám định để đưa cho các bị cáo xem trước khi bản giám định được đóng dấu. Luật sư kết luận: “Vậy là cơ quan điều tra đã sử dụng quy trình ngược”.

Do đã thẩm vấn xong các bị cáo nên buổi chiều, HĐXX tiến hành thẩm vấn 4 nhân chứng – là những cán bộ của bưu điện tỉnh Trà Vinh, Cần Thơ, Ninh Thuận, Đồng Nai, có tham gia vào việc ký kết các hợp đồng nhưng được đình chỉ điều tra do số tiền thiệt hại gây ra dưới 1 tỷ đồng, đã tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả.

Các nhân chứng cũng đồng loạt xin HĐXX xem xét lại thiệt hại do các bị cáo trong nhóm ngành bưu điện gây ra. Đến 15 giờ, HĐXX đột nhiên cho tạm ngưng phiên tòa vì đại diện cho nguyên đơn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam không có mặt tại tòa. Từ hôm nay 19-4 đến hết ngày 22-4 phiên tòa tạm nghỉ. Vào ngày 23-4, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần thẩm vấn nguyên đơn dân sự, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. 

ÁI CHÂN
 

Sau buổi xử, Tiểu ban Tuyên truyền vụ án Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn tổ chức họp báo để thông tin về phiên tòa. Trả lời thắc mắc của các phóng viên về vấn đề có những cán bộ của ngành bưu điện được đình chỉ điều tra dù hành vi phạm tội giống với hành vi của 33 bị cáo nguyên là lãnh đạo bưu điện 12 tỉnh bị đưa ra xét xử trong vụ án này, ông Lê Văn Thăng (thẩm phán và là người phát ngôn của TAND tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Phạm vi xét xử của HĐXX chỉ là các bị cáo bị VKSND truy tố và bị tòa án ra quyết định đưa ra xét xử. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Tố tụng Hình sự, qua việc xét xử tại phiên tòa, nếu HĐXX phát hiện có lọt người, lọt tội thì HĐXX vẫn có quyền ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu VKSND khởi tố để điều tra.


Thông tin liên quan:

* Ngày thứ 6 xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn:“Điệp khúc” so bì và đổ lỗi

* Xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn: Nguyên lãnh đạo bưu điện các tỉnh “đòi công bằng”!

* Ngày thứ 4 xét xử vụ án tham nhũng tại các bưu điện, “thầy đổ bóng, bóng đổ thầy”!

* Sáng nay, tòa xét hỏi các bị cáo mua bán hóa đơn, cán bộ thuế, tài chính tiếp tay cho Nguyễn Lâm Thái

Tin cùng chuyên mục