Xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn: Nguyên lãnh đạo bưu điện các tỉnh “đòi công bằng”!

Xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn: Nguyên lãnh đạo bưu điện các tỉnh “đòi công bằng”!

Ngày 16-4, phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn bước sang ngày xét xử thứ 5. Trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử, các bị cáo nguyên là lãnh đạo bưu điện các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Cần Thơ đều kêu oan và xin được xem lại số tiền gây thiệt hại cho nhà nước.

“Chỉ thiếu sót, không cố ý làm trái”

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, từ tháng 4-1999 đến tháng 12-2004, Bưu điện tỉnh Bình Định đã có nhiều sai phạm khi ký 23 hợp đồng kinh tế với các công ty trong “Tập đoàn CIP” của Nguyễn Lâm Thái với tổng trị giá hơn 6,2 tỷ đồng, tạo điều kiện cho bị cáo Thái chiếm đoạt hơn 4,8 tỷ đồng.

Các sai phạm này gồm: quyết định đầu tư không nêu hình thức lựa chọn nhà thầu, không tổ chức chào hàng cạnh tranh mà thực hiện mua sắm trực tiếp, phó giám đốc ký hợp đồng nhưng không có văn bản ủy quyền của giám đốc, không khảo sát giá thực tế trước khi ký hợp đồng…

Với những sai phạm tương tự, từ tháng 7-2001 đến tháng 4-2005, Bưu điện tỉnh Phú Yên ký 13 hợp đồng với tổng trị giá gần 3,6 tỷ đồng với các công ty của Thái, “giúp” Thái chiếm đoạt hơn 2,8 tỷ đồng; từ tháng 2-2001 đến tháng 3-2005, Bưu điện tỉnh Cần Thơ (Công ty Viễn thông Cần Thơ – Hậu Giang) ký 11 hợp đồng với tổng trị giá gần 2,7 tỷ đồng, tiếp tay cho Thái chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng.

Hành vi phạm tội nghiêm trọng là vậy, nhưng khi HĐXX thẩm vấn, các bị cáo nguyên là lãnh đạo bưu điện các tỉnh này lặp đi lặp lại điệp khúc: mong HĐXX xem xét lại, bản thân không phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” mà chỉ thiếu sót trong quá trình vận dụng trình tự, quy chế quản lý đầu tư cơ bản và quy chế đấu thầu; lúc ký hợp đồng thì nghĩ là làm đúng, sau này điều tra viên phân tích thì mới thấy mình sai.

Xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn: Nguyên lãnh đạo bưu điện các tỉnh “đòi công bằng”! ảnh 1

Bị cáo Nguyễn Văn Thịnh, nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Bình Định.

Xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn: Nguyên lãnh đạo bưu điện các tỉnh “đòi công bằng”! ảnh 2

Bị cáo Ngô Quang Thạch, nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Cần Thơ, trả lời thẩm vấn.

Về việc trước khi ký hợp đồng không khảo sát giá thực tế mà chỉ căn cứ vào báo giá và văn bản thẩm định giá của Trung tâm thẩm định giá Bộ Tài chính do bên bán cung cấp, các bị cáo khai rằng vào thời điểm đó, các loại vật tư, thiết bị này mới có trên thị trường, là những mặt hàng chưa phổ biến nên khó khảo sát giá; đồng thời trong quá trình mua bán có tham khảo giá của các công ty khác mà không ngờ rằng các công ty này cũng nằm trong “Tập đoàn CIP”.

Bị cáo Nguyễn Văn Thịnh (nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Bình Định) còn biện bạch: “Từ năm 1999 đến năm 2005, hàng năm cấp trên và cơ quan thuế tại địa phương đều có tiến hành kiểm toán, kiểm tra nhưng đều không phát hiện có sai phạm trong mua sắm vật tư, thiết bị, nghĩa là các cơ quan này đã mặc nhiên thừa nhận sự hợp pháp của việc mua sắm này rồi”.

Phương pháp tính thiệt hại chưa chính xác

Tại phiên tòa, các bị cáo cũng đồng loạt xin HĐXX “đèn trời soi xét” về hậu quả thiệt hại từ các hợp đồng mua bán vật tư, thiết bị với Nguyễn Lâm Thái do các bị cáo cho rằng phương pháp tính thiệt hại của cơ quan điều tra, viện kiểm sát chưa hợp lý.

Theo phương pháp tính của các cơ quan tiến hành tố tụng, thiệt hại cho nhà nước = tổng trị giá hợp đồng (có cả thuế GTGT) - 110% (giá giám định + giá vận chuyển + giá lắp đặt). Nhưng theo các bị cáo thì: thiệt hại = tổng trị giá hợp đồng (không có thuế GTGT) – (giá giám định + giá vận chuyển + giá lắp đặt), vì khoản thuế GTGT các bưu điện đã nộp đầy đủ cho cơ quan thuế, nên nhà nước không bị thiệt hại khoản tiền này. Nếu tính theo phương pháp đúng như vậy thì trên thực tế, thiệt hại các bị cáo gây ra không nhiều như cáo trạng đã quy kết.

Cụ thể như trường hợp của bị cáo Lê Thanh Hùng (nguyên Phó Giám đốc, từ cuối năm 2004 là Giám đốc Bưu điện tỉnh Bình Định). Bị cáo Hùng bức xúc khai: “Nếu tính đúng phương pháp thì thiệt hại do hành vi của bị cáo gây ra thấp hơn 200 triệu đồng so với số liệu ghi mà cáo trạng đã truy tố”.

Các bị cáo cũng khai rằng khi thắc mắc vì sao số tiền thiệt hại quá nhiều, đề nghị cho biết cơ sở nào giám định để ra con số thiệt hại thì điều tra viên bảo rằng đây là kết quả giám định của Bộ Tài chính, nếu có gì thắc mắc thì sau này hỏi viện kiểm sát, tòa án!

Vì những “nỗi oan” trên nên vào ngày hôm qua 16-4, 33 bị cáo nguyên là cán bộ của 12 bưu điện tỉnh bị truy tố trong vụ án này đã cùng ký tên vào văn bản kiến nghị gửi cho HĐXX TAND tỉnh Đồng Nai và các cấp có thẩm quyền, đề nghị xem xét.

Theo đơn kiến nghị, việc các bưu điện mua các thiết bị bưu chính, hệ thống camera quan sát an ninh cũng như mua phù điêu quảng cáo cho SEA Games 22, tuyên truyền quảng bá các dịch vụ bưu chính - viễn thông là thực hiện theo chủ trương của VNPT.

Mặt khác, cáo trạng dựa vào kết quả giám định để quy kết các bị cáo gây thiệt hại cho nhà nước hơn 37 tỷ đồng nhưng tại phiên xử vào ngày 11-4 vừa qua, ông Dương Văn Hòa, Tổ trưởng Tổ giám định Bộ Tài chính, thừa nhận giá do tổ giám định đưa ra không phải là giá bắt buộc, chứng tỏ việc xác định thiệt hại không có cơ sở pháp lý và không chính xác.

Ngoài ra các bị cáo cũng “so bì” rằng VKSND Tối cao chỉ truy tố mình trong khi không truy tố lãnh đạo 26 bưu điện tỉnh, thành khác là không khách quan vì các bị cáo cũng có đầy đủ các yếu tố để được miễn tố giống như các cán bộ của 26 bưu điện kia. 

ÁI CHÂN

Thông tin liên quan:

* Ngày thứ 4 xét xử vụ án tham nhũng tại các bưu điện, “thầy đổ bóng, bóng đổ thầy”!

* Sáng nay, tòa xét hỏi các bị cáo mua bán hóa đơn, cán bộ thuế, tài chính tiếp tay cho Nguyễn Lâm Thái

Tin cùng chuyên mục