Trung Đông “khát” nước trầm trọng

Hồ nước trơ cạn đã trở nên quen thuộc ở nhiều vùng của Trung Đông. Khu vực này đã và đang trải qua nhiều trận hạn hán dai dẳng và nhiệt độ tăng dần đến mức nhiều vùng bị bỏ hoang do không còn phù hợp cho cuộc sống của con người.
Xác tàu gỉ sét nằm giữa hồ Urmia (Iran) cạn trơ đáy
Xác tàu gỉ sét nằm giữa hồ Urmia (Iran) cạn trơ đáy

Những chiếc phà từng đưa đón khách du lịch đến và đi từ các hòn đảo nhỏ ở hồ Urmia của Iran giờ đã gỉ sét, không thể di chuyển. Hồ này đang nhanh chóng trở thành một cánh đồng muối. Hai thập niên trước, Urmia còn là hồ lớn nhất Trung Đông, nền kinh tế địa phương phát triển nhờ ngành du lịch với dày đặc khách sạn và nhà hàng.

Anh Ahad Ahmed, nhà báo ở thị trấn cảng Sharafkhaneh, nhớ lại: “Năm 1995, du khách đến đây bơi lội và tắm bùn khoáng. Họ thường ở lại ít nhất vài ngày”. Hồ Urmia giảm hơn một nửa diện tích mặt nước, từ 5.400km2 vào những năm 1990 xuống chỉ còn 2.500km2 hiện nay. Tại Iran, mạng lưới đập rộng lớn nuôi sống ngành nông nghiệp chiếm khoảng 90% lượng nước mà đất nước này sử dụng. Theo cơ quan khí tượng của Iran, nước này đang trải qua thời kỳ khô hạn tồi tệ nhất trong 5 thập niên nên ngành nông nghiệp đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Theo CNN, ông Charles Iceland, Giám đốc toàn cầu về nước tại Viện Tài nguyên thế giới (WRI), cho biết một số quốc gia Trung Đông như Iran, Iraq và Jordan đang phải khai thác nước ngầm để tưới tiêu nhằm cải thiện khả năng tự cung cấp lương thực khi lượng mưa ngày càng ít. Điều này càng làm cho nguồn nước dự trữ cạn kiệt. Lượng mưa giảm và nhu cầu nước tưới ngày càng tăng ở các nước trong khu vực đang khiến nhiều sông, hồ và vùng đất khô cạn. Nhiều nơi trở thành đất hoang không có người ở. Căng thẳng về cách chia sẻ và quản lý tài nguyên nước sông, hồ có thể trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến khả năng xảy ra xung đột như đã từng xảy ra trong lịch sử.

Theo ông Mansour Almazroui, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Đại học King Abdulaziz của Saudi Arabia, mấu chốt ở đây là với sự gia tăng nhiệt độ hiện nay, bất cứ lượng mưa nào cũng sẽ bốc hơi nhanh vì trời quá nóng. Tuy nhiên, sẽ có những trận mưa cực lớn, gây lũ như ở Trung Quốc, ở Đức, ở Bỉ… gần đây.

Ở Jordan, một trong những quốc gia căng thẳng về nước nhất trên thế giới, người dân đã quen với việc sinh hoạt rất ít nước. Hầu hết người Jordan có thu nhập thấp chỉ sử dụng khoảng 40 lít nước/ngày cho tất cả các nhu cầu. Con số này với người Mỹ gấp khoảng 10 lần. Giáo sư Daniel Rosenfeld, thuộc Chương trình Khoa học Khí quyển tại Đại học Hebrew của Jerusalem cho biết, Jordan hiện đang thiếu nước nghiêm trọng, các hộ gia đình ở Jordan chỉ có nước một hoặc 2 lần/tuần, kể cả ở thủ đô Amman.

Các nghiên cứu cho thấy, mực nước ngầm ở các vùng của Jordan đang giảm hơn 1m/năm, và làn sóng người tỵ nạn từ nhiều quốc gia trong khu vực đã gây thêm áp lực lên nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm này. Tổng thư ký Cơ quan nước Jordan Bashar Batayneh cho rằng, nước này cần thêm nguồn tài trợ từ phần còn lại của thế giới để giải quyết nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng.

Theo ông Batayneh, Jordan chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng người tỵ nạn Syria và chịu tác động sâu sắc liên quan đến nước. Người tỵ nạn tiêu tốn của ngành nước hơn 600 triệu USD/năm, trong khi Jordan chỉ nhận được một phần nhỏ số tiền trợ giúp từ cộng đồng quốc tế.

Tin cùng chuyên mục