Trung Quốc - Bùng nổ nhà dưỡng lão

Cấu trúc gia đình trong xã hội Trung Quốc đang thay đổi: phụ nữ một thời chỉ biết làm việc nhà nay bước ra xã hội làm việc ngày càng nhiều. Con người có nhiều công việc tốt hơn, bận rộn hơn do đó không thể chăm sóc cha mẹ già và chính những điều này đã tạo ra hiện tượng “bùng nổ nhà dưỡng lão”.

Cấu trúc gia đình trong xã hội Trung Quốc đang thay đổi: phụ nữ một thời chỉ biết làm việc nhà nay bước ra xã hội làm việc ngày càng nhiều. Con người có nhiều công việc tốt hơn, bận rộn hơn do đó không thể chăm sóc cha mẹ già và chính những điều này đã tạo ra hiện tượng “bùng nổ nhà dưỡng lão”.

Theo Văn phòng Thống kê quốc gia, tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc hiện nay là 73. Trung Quốc hiện có hơn 178 triệu người ở độ tuổi 60 hoặc hơn, xấp xỉ 13% dân số nước này. Ước tính, đến năm 2042, người già sẽ chiếm hơn 30% dân số và Trung Quốc sẽ đối mặt với vấn đề lão hóa dân số - một vấn nạn không của riêng quốc gia nào trên thế giới. Riêng Trung Quốc vấn đề này còn trầm trọng hơn bởi hậu quả chính sách một con của họ. Vấn đề chính không phải là dân số già mà theo Gordon Orr, Giám đốc McKinsey&Co, một tập đoàn quản lý - tư vấn toàn cầu, là làm thế nào Chính phủ Trung Quốc có thể đủ khả năng trang trải chi phí lương hưu và chăm sóc sức khỏe cho lực lượng những người về hưu.

Theo báo China Daily, riêng vùng nông thôn Trung Quốc, 40 triệu người già sẽ phải sống một mình trong giai đoạn kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015) khi con cái của họ đang làm việc ở đâu đó. Trong khi chính sách phúc lợi xã hội trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, đây là điều kiện tốt cho các công ty nước ngoài và các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào nhà dưỡng lão có thị trường tốt. Ví dụ, tại thành phố cổ Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, nếu như năm 1990 có 27 nhà dưỡng lão thì một thập kỷ sau đã tăng lên 52 nhà. Đến năm 2009, con số này tăng lên 148. Ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân cũng chứng kiến những con số tăng tương tự. Các thống kê chính thức cho thấy số giường sẵn sàng tại các nhà dưỡng lão chỉ cung cấp đủ cho 1,8% số người già Trung Quốc, trong khi đó tiêu chuẩn ở nhiều nước phương Tây là từ 5% đến 7%. Theo Tân Hoa xã, giới chức Trung Quốc cần tăng số giường cho người già lên đến 3,4 triệu để đáp ứng cho 3% dân số trong 5 năm tới.

Các thống kê mới đây cho thấy, hiện các công ty tư nhân nắm quyền chi phối lĩnh vực chăm sóc người già ở hầu hết các thành phố lớn. Công ty ThomsonAdsett đang đẩy nhanh hàng loạt dự án ở Bắc Kinh và Thượng Hải, trong khi đang đấu thầu nhiều dự án ở tỉnh Quảng Đông, Liêu Ninh, Giang Tô, Hồ Bắc… Họ hy vọng trong 5 năm tới sẽ đáp ứng nhu cầu gia tăng nhanh chóng của thị trường. Mặc dù người phương Tây đã đặt chân vào thị trường này từ đầu những năm 1990 nhưng phần lớn các công ty thành công và tồn tại tới nay lại đến từ đặc khu Hồng Công, lãnh thổ Đài Loan, Singapore và Nhật Bản...

Nguyên nhân là người phương Tây chưa thấu hiểu cách chăm sóc người già ở châu Á và chưa nhận được nhiều ưu ái của chính phủ. Tuy nhiên, mọi thứ có thể đã thay đổi! Wu Yushao, Phó Giám đốc Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi Trung Quốc thừa nhận, tình trạng này sẽ đặt Trung Quốc trước một thử thách rất lớn. “Các dịch vụ cho người già quá yếu, hệ thống phúc lợi vẫn còn lạc hậu để kham nổi lượng người già”. Do đó, Chính phủ Trung Quốc đang thay đổi chính sách, mở rộng cửa cho các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục