Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) vừa cho biết trong năm 2017, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) phi tài chính của Trung Quốc đã sụt giảm mạnh do chính phủ nước này áp dụng các biện pháp kiểm soát ngày càng chặt chẽ. Các nhà đầu tư của nước này đã đầu tư tổng cộng 120 tỷ USD vào 6.236 doanh nghiệp tại 174 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, giảm 29,4% so với năm 2016.
Không chỉ siết dòng tiền chảy ra nước ngoài, Chính phủ Trung Quốc cũng đang cân nhắc các biện pháp siết chặt hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài tại nước này.
Theo hãng tin Reuters, Tổng cục Du lịch Trung Quốc (CNTA) đã yêu cầu tất cả các công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú rà soát lại thông tin trên trang web và ứng dụng của mình để phát hiện và sửa chữa những sai phạm kiểu như Marriott và Delta Airlines vừa qua. Trung Quốc đã buộc trang web bản tiếng Trung của Marriott International Inc phải ngừng hoạt động trong một tuần vì một bảng câu hỏi khảo sát khách hàng của chuỗi khách sạn này gọi Đài Loan, Macau, Hồng Công và Tây Tạng là những “quốc gia” riêng biệt. CNTA khẳng định không cho phép bất cứ hành động nào vượt qua “ranh giới hợp pháp” của Trung Quốc, vì vậy đã ra lệnh các công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú lập tức kiểm tra toàn diện trang web và các ứng dụng của mình để đảm bảo thông tin được đăng tải đúng luật pháp.
Động thái trên là nỗ lực mới nhất của chính quyền Bắc Kinh nhằm “chỉnh đốn” cách mà các doanh nghiệp nước ngoài định danh những vùng lãnh thổ có quy chế đặc biệt như Đài Loan hay Hồng Công. Ngoài CNTA, giới chức quản lý hàng không dân dụng Trung Quốc ngày 12-1 cũng đã yêu cầu hãng hàng không Delta Airlines xin lỗi vì gọi Đài Loan và Tây Tạng là quốc gia trên trang web của hãng. Hãng thời trang Zara và nhà sản xuất thiết bị y tế Medtronic Plc cũng gặp những vấn đề tương tự.
Tất cả những nhãn hiệu này đều đã lên tiếng xin lỗi vì những sai phạm, họ “tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc” và “hoàn toàn không ủng hộ bất kỳ tổ chức ly khai nào làm suy yếu chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.
Tất cả những nhãn hiệu này đều đã lên tiếng xin lỗi vì những sai phạm, họ “tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc” và “hoàn toàn không ủng hộ bất kỳ tổ chức ly khai nào làm suy yếu chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.
Giới quan sát nhận định đây là lần chấn chỉnh mạnh nhất trong gần 3 thập niên trở lại đây. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, với Luật An ninh mạng được Quốc hội nước này phê chuẩn vào tháng 11-2016, họ e ngại các công ty công nghệ nước ngoài ở Trung Quốc sẽ phải chịu sự kiểm soát an ninh mạng gắt gao hơn và dữ liệu của họ sẽ phải lưu trữ trong các máy chủ Trung Quốc.
Hãng tin AP ngày 18-1 nhận định, các công ty này còn phải chịu nhiều “áp lực” từ các chính sách mới nhằm giúp các đối thủ tiềm năng trong nước phát triển công nghệ trong nhiều lĩnh vực. Hầu hết các công ty nước ngoài đang lo lắng việc chính quyền Bắc Kinh đang o ép họ cơ cấu lại các liên doanh với các đối tác Trung Quốc.
Nói như Giáo sư Chong Tai-Leung thuộc Đại học Trung Hoa ở Hồng Công, Trung Quốc giờ đây không còn quá cần các công ty nước ngoài để có được công nghệ tiên tiến và vốn như những năm trước nữa. Vì vậy, Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ giảm dần những chính sách ưu đãi đối với các công ty nước ngoài.