Khi triển khai bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện năm 2007 theo hướng dẫn tại Thông tư số 06 của Liên bộ Y tế – Bộ Tài chính, cả cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) cấp quận, huyện lẫn người dân đăng ký tham gia đều vấp phải “rào chắn” hết sức nan giải. Đó là mức phí tăng đột ngột (bình quân cao gấp 2 lần, thậm chí có địa phương 2,5 lần so với năm 2006) và khống chế thời hạn thu phí. Hai yếu tố nghiệt ngã này đều xuất phát từ cơ chế BHXH Việt Nam ban hành.
Vấn đề thứ nhất là mức phí. Thông tư số 06 trên quy định khung rất thoáng chứ không cố định “cứng”, cụ thể: khu vực thành thị: 320.000 đồng/người/năm; học sinh - sinh viên: 120.000 đồng/em/năm; khu vực nông thôn: 240.000 đồng/người/năm; học sinh, sinh viên: 100.000 đồng/em/năm.
Bên cạnh đó, để lý giải rõ hơn về khung phí, ngày 19-4-2007, Bộ Y tế đã có công văn số 2537/BYT-BH “V/v triển khai thực hiện TTLT số 06 gửi BHXH Việt Nam có nội dung rất đáng chú ý: “Khung mức đóng được liên bộ quy định khá rộng có tính đến mức tăng trong các năm sau, vì vậy, các địa phương không nên tăng mức đóng một cách đột ngột và quá cao so với mức đóng hiện tại”. Tiếc thay, hệ thống BHXH Việt Nam đã không quan tâm đến đề nghị thiết thực này, áp sát trần ngay khiến đối tượng bị “dội” khi nhẩm tính số tiền tham gia cho cả gia đình.
Vấn đề thứ hai là thời hạn thu phí. Thông tư số 06 không quy định mỗi đợt phát hành giới hạn bao nhiêu ngày, có nghĩa là nếu xã, phường, thị trấn đủ 10% hộ gia đình tham gia và 100% thành viên trong hộ mua (trừ số thuộc diện bắt buộc, cấp miễn phí) là đủ điều kiện triển khai. Vậy mà BHXH Việt Nam lại khống chế một năm tiến hành tối đa ba đợt, mỗi đợt chỉ thu phí trong 15 ngày, 320 ngày còn lại người dân phải chờ, cho dù lâm bệnh !
“Rào cản” lộ trình thực hiện BHYT tự nguyện đã quá rõ. Trong khi chờ đợi sửa đổi Thông tư số 06, thiết nghĩ BHXH Việt Nam cần điều chỉnh ngay hai yếu tố trên.
HUYỀN VY (Lâm Đồng)