Chuyện nông dân trẻ Trần Thanh Tuấn ở vàm kinh Ông Cò (xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) vừa trình làng chiếc máy phun thuốc điều khiển từ xa gây nhiều bất ngờ cho bà con nông dân lẫn giới khoa học ở ĐBSCL. Anh Tuấn năm nay mới 35 tuổi, học đến lớp 8 thì nghỉ học do hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2006, anh đã mày mò chế tạo chiếc máy này nhưng không thành công. Mãi đến giữa năm 2012, anh mới tập hợp thiết bị bắt tay lắp ráp. Cuối tháng 5 vừa qua, robot phun thuốc 20 béc của anh đã chạy thành công trên đồng ruộng An Giang với mức tiêu hao nhiên liệu 1 lít xăng (pha nhớt) chạy được khoảng 50-60km, 1 giờ phun khoảng 10 công lúa, điều khiển từ xa qua sóng radio. Máy có thể tự vượt địa hình đồng ruộng bằng bánh xích gắn cao su, không bị nhào lộn và chịu lực tốt khi di chuyển trên đất sình lầy.
Trước đó, nông dân Nguyễn Văn Hồng ở xã Mỹ Đức (Châu Phú, An Giang) cũng chế tạo thành công máy hốt lúa 15 tấn/giờ, làm việc hiệu quả bằng 30 lao động, và không ít “công trình khoa học lấm bùn” của nông dân đã cho ra đời các sản phẩm hữu dụng như máy hút bùn, máy bắt rầy, máy tạo nhiệt từ năng lượng mặt trời, từ các phế phẩm nông nghiệp hay máy ép gạch, bếp than công dân, rập chuột cải tiến, máy tách vỏ hạt bắp... và biết bao sáng chế khoa học khác trên khắp cả nước của nông dân phục vụ thiết thực đời sống và sản xuất của chính họ.
Những “công trình khoa học lấm bùn” này không chỉ chứng minh sức sáng tạo đáng khâm phục của nông dân, mà còn gợi nhiều suy ngẫm về nhiều đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) tiêu tốn nhiều ngân sách hàng năm được “sản xuất” ra rồi xếp xó. Dù còn nhiều khó khăn, việc chi cho KH-CN của các địa phương vẫn đảm bảo mức 2% tổng chi ngân sách hàng năm, nhưng hiệu quả sử dụng thấp. Trong lúc kinh phí NCKH ở nhiều địa phương xài không hết, tồn đọng hàng tỷ đồng/năm, thì những “Hai Lúa” mê nghiên cứu, thích sáng tạo lại khó tiếp cận nguồn vốn này. Năm 2011 và 2012, riêng kinh phí cấp phát cho các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước đã là 3.667 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, do vướng bận các thủ tục hành chính về thanh quyết toán mà các nhà khoa học lo về tiền còn vất vả hơn nghiên cứu, dẫn đến hiệu quả hạn chế, làm xong ứng dụng thực tế thì ít mà lưu kho thì nhiều, trong khi chính người nông dân lại tự sáng tạo ra nhiều máy móc phục vụ sản xuất hiệu quả. Bên cạnh việc Nhà nước ôm chặt các cơ sở NCKH cả về kế hoạch nghiên cứu, kế hoạch nhân sự lẫn kế hoạch chi tiêu dẫn đến hạn chế về chất lượng nghiên cứu; tình trạng thiếu một cơ chế tự do học thuật để các nhà khoa học có thể độc lập về đường lối nghiên cứu và đi đến cùng trong khoa học cũng là một thực tế.
Tuy nhiên, nếu tính đến các khó khăn về cơ chế, tài chính thì thời đại nào và ở đâu các nhà khoa học cũng gặp phải. Xét một cách khách quan, điều kiện nghiên cứu ngày nay đã tốt và thuận lợi hơn hẳn so với trước đây. Như vậy, nếu đổ hết lỗi lầm của một nền khoa học yếu kém do cơ chế thì vai trò của các nhà khoa học nằm ở đâu? Chúng ta có hàng trăm trường đại học, hàng ngàn cơ sở nghiên cứu, hàng chục ngàn cán bộ nghiên cứu, hàng chục ngàn tiến sĩ, hơn 9.000 giáo sư nhưng cuối cùng những người sáng chế ra máy gặt lúa, máy phun thuốc, máy hút bùn, máy xe chỉ xơ dừa… lại chính là những người nông dân.
Để NCKH ứng dụng thiết thực hơn, phục vụ tốt hơn cho sản xuất và đời sống, Nhà nước cần phải đổi mới cơ chế điều hành, quản lý, sử dụng kinh phí NCKH theo tiêu chí hiệu quả được đặt lên hàng đầu. Ngành, địa phương, đơn vị nào làm tốt cần được đầu tư nhiều hơn, nơi nào làm không tốt sẽ bị cắt giảm. Cùng với hoàn thiện cơ chế đấu thầu, cũng cần áp dụng cơ chế đặt hàng NCKH. Người “nắm tiền” chủ động đặt hàng nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân sáng tạo, chịu trách nhiệm tiếp nhận kết quả và đưa kết quả vào sản xuất kinh doanh. Một cơ chế “rót tiền theo đầu việc, không theo đầu người” chính là bà đỡ cho nhiều sáng kiến nông dân hiệu quả, thiết thực trong tương lai.
HIỆP TRƯỜNG