Tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định hy sinh và từ trần

Ngày 19-2, tại Tịnh xá Ngọc Phương (quận Gò Vấp, TPHCM), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TPHCM phối hợp Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TPHCM khối phụ nữ tổ chức Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định hy sinh và từ trần. Đây là năm thứ 9 lễ tưởng niệm được tổ chức.

Đến dự Lễ tưởng niệm có các đồng chí: Lê Thị Thu, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến khối phụ nữ TPHCM, Trưởng Ban liên lạc cán bộ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định; Võ Thị Dung, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Trương Thị Ánh, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM cùng cán bộ và thân nhân cán bộ, chiến sĩ Ban Phụ vận Sài Gòn – Gia Định.

Phát biểu tại Lễ tưởng niệm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM Nguyễn Thị Ngọc Linh khẳng định, thắng lợi trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta có sự đóng góp rất lớn của quân và dân thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, trong đó có phần đáng kể của cán bộ, chiến sĩ Ban Phụ vận. Các mẹ, các chị đã vận dụng đường lối đấu tranh chính trị của Đảng một cách sáng tạo, với phương châm: cùng ăn, cùng ở, cùng làm đã tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia vào các phong trào đấu tranh chính trị từ thấp đến cao. Qua đó xây dựng lực lượng cách mạng trong khắp các tầng lớp phụ nữ từ thành thị đến nông thôn, tiểu thương các chợ, công nhân, học sinh, sinh viên, đồng bào Phật tử...

hinh-3-4834.jpg
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM Nguyễn Thị Ngọc Linh phát biểu tại Lễ tưởng niệm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ban Phụ vận đã nghiên cứu, đề xuất thành lập các tổ chức phụ nữ công khai, bán công khai và bí mật để tập hợp các tầng lớp phụ nữ tham gia đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève và thống nhất đất nước. Điển hình là phong trào bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ, phong trào phụ nữ đòi quyền sống. Tháng 7-1963, Tịnh xá Ngọc Phương được xây dựng. Đây là nơi mà Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định làm cơ sở Phụ vận do Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên lãnh đạo, thành lập “đội quân đầu tròn” tham gia phong trào đấu tranh của Phật giáo. Đây còn là nơi che chở cho sinh viên, học sinh tham gia biểu tình chống địch.

hinh-2-3112.jpg
Các đại biểu tại Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định hy sinh và từ trần. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, trong đấu tranh có nhiều đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Ban Phụ vận đã hy sinh anh dũng trong thực hiện nhiệm vụ hoặc bị địch bắt tù đày. Dù bị địch đàn áp dã man, bị đày qua nhiều nhà tù, từ đất liền đến Chuồng Cọp - Côn Đảo, các chiến sĩ vẫn một lòng kiên trung với cách mạng, kiên cường vượt lên gian khổ mưu trí, can đảm trong chiến đấu và công tác, bất khuất trong lao tù, một lòng theo cách mạng cho đến ngày toàn thắng.

“Thế hệ cán bộ hội hôm nay sẽ mãi ghi nhớ, sẽ mãi tự hào về ý chí quật cường của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Ban Phụ vận Sài Gòn – Gia Định đã viết nên những bản hùng ca “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, mang lại độc lập, hòa bình hôm nay. Chúng tôi sẽ quyết tâm giữ gìn và phát huy hơn nữa truyền thống quý báu mà các má, các dì, các chị đi trước để lại”, bà Nguyễn Thị Ngọc Linh bày tỏ.

hinh-4-6635.jpg
Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến khối phụ nữ TPHCM Lê Thị Thu phát biểu tại Lễ tưởng niệm. Ảnh VIỆT DŨNG

Phát biểu tại Lễ tưởng niệm, bà Lê Thị Thu tin tưởng lễ tưởng niệm được thực hiện hàng năm trong 9 năm qua đã trở thành truyền thống để nhắc nhở các thế hệ cán bộ hội luôn ghi nhớ và tri ân những anh hùng liệt sĩ, những cán bộ, chiến sĩ của hội đã hy sinh và từ trần cho sự nghiệp giải phóng và phát triển đất nước.

hinh-5-7323.jpg
Các đại biểu thăm hỏi nhau. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cũng tại buổi lễ đã diễn ra lễ cầu siêu cho cán bộ, chiến sĩ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định đã hy sinh và từ trần.

Tin cùng chuyên mục