Ù lì là được?

Lâu nay, khi thực hiện việc giải tỏa, đền bù để giải phóng mặt bằng và xử lý vi phạm trong xây dựng, có một thực tế là có nhiều khi những trường hợp cố tình không chấp hành, thách thức trật tự pháp luật lại được nhân nhượng, được đền bù cao hơn quy định, hoặc được giữ nguyên trạng phần xây dựng trái phép. Như vậy là không công bằng xã hội và không giữ được kỷ cương quản lý.

Trong số những trường hợp không chấp hành, có nhiều trường hợp do không am hiểu pháp luật, nhưng cũng có những trường hợp là cán bộ, thậm chí là cơ quan nhà nước. Do vậy các cơ quan thẩm quyền phải mệt mỏi, tốn rất nhiều công sức giải quyết, phải tổ chức nhiều cuộc họp, ra nhiều văn bản, dùng đủ biện pháp vận động, nhưng vẫn không mang lại kết quả, rồi phải buông xuôi vì nản hoặc vì bất lực, cuối cùng phải nhân nhượng. Dư luận bất bình, không thể chấp nhận cái lý rất tiêu cực “ù lì là được”. Chính tình trạng những người bất chấp pháp luật lại giành được những quyền lợi phi pháp đã chứng tỏ một thực tế hiển nhiên là pháp luật chưa nghiêm, chính quyền chưa phát huy hiệu lực quản lý của mình. Đáng ra trong những trường hợp như vậy, các cơ quan quản lý phải kiên quyết hơn. Nếu để tình trạng “ù lì là được” kéo dài, sẽ tác hại rất xấu cho xã hội, vì mọi người sẽ cho rằng “luật rừng” đảm bảo hơn sự giải quyết công minh của cơ quan có thẩm quyền. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa làm tình trạng các trường hợp bất chấp luật pháp ngày càng nhiều.

Làm sao chấm dứt được chuyện “ù lì là được”? Yêu cầu quan trọng nhất là các cơ quan và những người nắm quyền thực thi pháp luật phải đảm bảo hiệu lực quản lý của nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật, không nhân nhượng đối với những người không tuân thủ pháp luật và thách thức công lý.

VŨ HUYỀN ĐAM

Tin cùng chuyên mục