Ứng phó với những yếu tố “bất định”

Tổng cục Thống kê vừa công bố, GDP quý 1 ước tính tăng 6,79%, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (7,38%); chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý 1 tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018 - là mức tăng bình quân quý 1 thấp nhất trong 3 năm gần đây. 

Đánh giá về kết quả kinh tế xã hội quý 1 năm 2019, nhiều chuyên gia, nhà quản lý lạc quan “ấn tượng” về tăng trưởng kinh tế, song lại quan ngại về chỉ số CPI. Có nhiều yếu tố khiến CPI quý 1 năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước đáng phải quan tâm. Đó là nhu cầu về lương thực, thực phẩm trong những tháng đầu năm tăng lên so với cùng kỳ năm trước; giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,75%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,85% (tác động làm CPI chung tăng 0,03%); giá nhóm du lịch trọn gói tăng 5,2%; một số mặt hàng thiết yếu tăng trở lại (như: giá nhiên liệu, chất đốt, sắt, thép...). Sự “bất định” của giá cả trong quý 1 thể hiện ở nhóm rất quan trọng là hàng ăn và dịch vụ ăn uống khi nhóm này giảm nhiều nhất: 1,42% (lương thực giảm 0,55%; thực phẩm giảm 1,97%) khiến CPI chung giảm 0,51%.

Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng sau Tết Kỷ Hợi giảm và ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi. Giá thịt heo có thể tăng mạnh trở lại trong những tháng tới khi dịch tả heo châu Phi qua đi và nguồn cung sụt giảm, từ đó tác động tới các mặt hàng khác, vì vậy việc kiểm soát, dập dịch tả heo đến đâu để người dân yên tâm tính toán tái đàn heo là việc rất quan trọng, cấp thiết.

Yếu tố “bất định” tiếp theo là giá dầu. Trong phiên giao dịch cuối tuần qua (29-3), giá dầu tăng khoảng 1% và khép lại quý 1-2019 với mức tăng cao nhất kể từ quý 2-2009. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ và giá dầu Brent đều đang hướng đến quý tăng mạnh nhất kể từ năm 2009, chủ yếu là do các biện pháp cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga. Cùng với đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela, Iran đã hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu của các nước này đã đẩy giá dầu tăng trong năm nay. Ngân hàng Barclays (Anh) đã dự báo giá dầu sẽ vẫn ở mức cao trong quý 2-2019, với giá dầu Brent ở mức 73 USD/thùng, còn giá dầu WTI là 65 USD/thùng và giá dầu sẽ giữ ở mức 70 USD/thùng trong năm nay. 

Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa sẽ chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố quan trọng khác như: giá điện tăng bình quân 8,36% từ 20-3 (theo tính toán, CPI tổng thể ước tính tăng thêm khoảng 0,29-0,31%); lương cơ sở sẽ tăng 7% (từ 1-7), từ mức 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng/tháng.

Trong các khuyến cáo với nhà đầu tư, các công ty chứng khoán đều dự báo rằng, hội tụ những điểm thuận lợi, bất lợi của năm 2019, CPI vẫn sẽ tăng bình quân trong khoảng 3,3-3,9% so với năm 2018, vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%. Tuy nhiên, những kinh nghiệm điều hành giá thời gian qua cho thấy, yếu tố tâm lý luôn đóng vai trò trọng yếu trong chi phối giá cả các mặt hàng khác khi giá: thực phẩm, lương, điện, xăng dầu, dịch vụ công… tăng. Chính vì vậy, tại cuộc họp điều hành giá cả mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu các bộ, ngành có liên quan phải tính toán điều hành giá cả hàng hóa, dịch vụ công y tế, giáo dục theo tín hiệu của thị trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải ngăn chặn lây lan dịch tả heo châu Phi, có biện pháp tái đàn để bảo đảm nguồn cung khi bệnh dịch được kiểm soát; Ngân hàng Nhà nước có hình thức hỗ trợ tín dụng với các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng…

Thực tế nêu trên cho thấy, để kiểm soát lạm phát mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra là không dễ dàng. Nhiều chuyên gia cho rằng, để chủ động, ứng phó với những yếu tố trên, cơ quan quản lý cần chủ động theo dõi, phân tích thông tin và dự báo diễn biến tình hình kinh tế, tài chính, giá cả thế giới, trong nước để chủ động có phương án phù hợp, kịp thời. Cùng với đó là cần thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát chi thường xuyên, kiểm soát giá việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công...

Tin cùng chuyên mục