Ứng xử với dân

TRỊNH MINH GIANG

Quan điểm, ý kiến về việc tôn trọng dân, ứng xử phù hợp với dân đã được đề cao và được thực hiện trong thực tế. Trong Hiến pháp năm 2013, từ “Nhân dân” đã được viết hoa, với hàm ý đặt nhân dân là chủ thể của đất nước, của xã hội, nhằm khẳng định bản chất nhà nước do dân, vì dân và tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Không khó để nhận ra rằng nhân dân là toàn thể người dân, trong đó có những người lao động, chứ không phải chỉ là một nhóm nhỏ người nào khác.

Nhưng hình như quan điểm tôn trọng nhân dân chưa được tất cả cán bộ công chức hiểu và thực hiện đầy đủ. Người ta có thể có nhiều lý do để biện minh cho cách ứng xử “mạnh tay” với dân của người thực thi công quyền; chẳng hạn, vì người vi phạm có thái độ, lời nói không đúng mực với người đang thi hành công vụ; người vi phạm tái phạm nhiều lần; việc xử lý người vi phạm là cần thiết để răn đe chung và giữ nghiêm kỷ cương; các ứng xử đều đúng quy định của pháp luật… Tuy nhiên, người dân cũng có quyền chất vấn: Thực sự những vi phạm đó có cần áp dụng biện pháp căng thẳng, “mạnh tay” không; liệu có biện pháp nào khác phù hợp hơn hay không; liệu khi ứng xử theo cách đó thì bản thân người có trách nhiệm có nghĩ rằng mình hoàn toàn tôn trọng dân hay không; còn có bao nhiêu vi phạm khác, đặc biệt là tội phạm, sao người thi hành công vụ không quyết liệt ngăn chặn, xử lý; nếu người dân đó là người quen biết, thân thích của người thi hành công vụ thì họ có ứng xử như vậy không…

Rõ ràng, khi người thi hành công vụ không đặt người dân ở vị trí mình cần phục vụ, quan tâm, bảo vệ thì rất khó có sự tôn trọng thực sự. Khi người dân còn là “đối tượng quản lý” thì người thi hành công vụ vẫn còn dùng quyền uy để áp đặt và xử sự theo cách của sự quản lý, chứ không phải cách của sự phục vụ. Khi đó, “hiếu với dân” có thể chỉ là khẩu hiệu.

Để thực sự tôn trọng dân, ngoài việc thực hiện các quy định, quy tắc của pháp luật, của ngành…, bản thân mỗi người thực thi công vụ cần tự đặt mình vào vị trí của người dân trong hoàn cảnh và điều kiện tương tự để không chỉ hiểu rõ tác động từ quyết định của mình đến đâu mà còn nhận ra rằng quyết định đó có đúng hay không, có phù hợp hay không. Bên cạnh đó, người thực thi công vụ phải thực sự lắng nghe dân, không chỉ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, mong mỏi của người dân mà còn cả những phản ứng, phản biện của họ đối với các quyết định của người thi hành công vụ.

Do vậy, trong việc ứng xử với dân, nếu thực sự tôn trọng dân thì người thực thi công quyền sẽ tìm cách gỡ khó cho dân, chứ không phải đẩy hết cái khó về cho dân.

TRỊNH MINH GIANG
(Quận Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục