Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến nay đã đi vào tiềm thức và tình cảm của người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, dường như vẫn còn có những cách hiểu chưa thống nhất nhau về “hàng Việt Nam”.
Nhiều người cho rằng “hàng Việt Nam” là các loại hàng hóa công nghiệp, tiêu dùng được các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hoặc các doanh nghiệp nước ngoài đang ở Việt Nam sản xuất. Nhiều người cũng nghĩ rằng các loại dịch vụ trong nước (bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cung cấp) cũng là một dạng “hàng Việt Nam”. Có lẽ còn một bộ phận người tiêu dùng chưa nhận thức đầy đủ rằng nông sản Việt Nam cũng là “hàng Việt Nam”, là do chưa cho rằng nông sản trong nước có tính chất đầy đủ của một loại hàng hóa, tức là sản xuất nhằm để bán trên thị trường và tuân theo các quy luật của thị trường. Hoặc do mặc nhiên nhìn nhận nông sản Việt Nam không cần thiết phải ưu tiên sử dụng bởi sự cạnh tranh với nông sản nước ngoài không đáng kể.
Cần có một tác động lớn để người dân chủ động hơn, ưu tiên hơn trong việc sử dụng hàng hóa Việt Nam nói chung và nông sản Việt Nam nói riêng, cũng như các nhà sản xuất phải chú trọng phục vụ cho người tiêu dùng trong nước nhiều hơn chứ không chỉ phải chăm chăm xuất khẩu. Các ngành chức năng liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền về việc ưu tiên tiêu dùng các loại nông sản Việt Nam. Bản thân ngành nông nghiệp cần cải tiến mạnh mẽ hơn, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa nhiều hơn, trong đó triệt để phát huy lợi thế so sánh, nâng cao chất lượng nông sản theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Cần tạo điều kiện để nông dân áp dụng các phương pháp và công nghệ tiên tiến và sản xuất không chỉ để tăng năng suất mà còn đáp ứng yêu cầu về hình thức và tiêu chuẩn chất lượng. Công tác xây dựng và giữ gìn thương hiệu cũng cần được quan tâm nhiều hơn, nhất là các thương hiệu đã có uy tín trên thị trường và các loại nông sản thuộc dạng đặc sản rất đặc trưng của địa phương, vùng miền. Ngoài ra, công tác tiếp thị, giới thiệu sản phẩm cũng cần chú trọng đúng mức, thay vì chỉ để “hữu xạ tự nhiên hương”, nhất là đưa nông sản đến các vùng miền theo hình thức trao đổi, tức là đưa đặc sản của vùng này đến vùng khác vừa để phục vụ người dân trong nước vừa để bán được giá hơn.
Trong điều kiện hiện nay, mỗi người tiêu dùng Việt Nam cần quan tâm hơn đến việc sử dụng các loại nông sản trong nước, không chỉ để giúp đỡ bà con nông dân trong nước và được thưởng thức nông sản Việt Nam chất lượng tốt với giá cả hợp lý, mà còn thể hiện lòng yêu nước một cách rõ nét.
TRÚC GIANG (quận 3, TPHCM)