Văn hóa từ chức là rất cần thiết

Văn hóa từ chức là rất cần thiết

Thủ tướng trả lời chất vấn ĐBQH:

(SGGPO).– Sáng 17-11, bắt đầu từ 8 giờ 30, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của ĐBQH về những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến 4 nhóm vấn đề đã chất vấn trong 2 ngày 15 và 16-11.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội trong sáng 17-11-2016. Ảnh: VGP

Đây cũng là buổi chất vấn cuối cùng tại kỳ họp Quốc hội này.

Trước khi trả lời chất vấn trực tiếp các ĐBQH, Thủ tướng đã có báo cáo trước Quốc hội.

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng nêu rõ, trong những tháng qua với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã hành động quyết liệt, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nói đi đôi với làm, tăng cường theo dõi, đôn đốc kiểm tra, tập trung nghiên cứu những vấn đề chiến lược, vĩ mô; đồng thời xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc đặt ra trong đời sống xã hội...

Về tình hình 6 tháng qua, Thủ tướng khẳng định chúng ta cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2016, đồng thời Chính phủ cũng quyết liệt triển khai các giải pháp để thực hiện kế hoạch 2017 ngay từ những ngày đầu năm. Chính phủ nghiêm túc lắng nghe những ý kiến chất vấn của cử tri và đồng bào cả nước để thực hiện tốt nhất kế hoạch đề ra.

Thủ tướng cũng đã báo cáo trước Quốc hội về các vấn đề nợ công, nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN)...Trong đó, về lĩnh vực DNNN, Thủ tướng nhấn mạnh có một số DNNN làm ăn thua lỗ, để xảy ra sai phạm, trong đó những sai phạm nghiêm trọng gây bức xúc trong nhân dân.

Văn hóa từ chức là rất cần thiết ảnh 2 

Quang cảnh buổi chất vấn kỳ họp Quốc hội sáng 17-11-2016. Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng cho rằng, sự cố Formosa là bài học đắt giá, Chính phủ kiên quyết xử lý những sai phạm của tổ chức, cá nhân. Chính phủ cũng sẽ triển khai các giải pháp để bảo vệ môi trường, ngăn chặn xả thải gây ô nhiễm.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) là ĐB đầu tiên chất vấn Thủ tướng. ĐB cho rằng, cử tri nhân dân ủng hộ sự quyết tâm trong chỉ đạo điều hành của Thủ tướng cũng như những thông điệp của Thủ tướng. Nhưng cử tri bất bình trước việc thực thi kỷ luật kỷ cương không nghiêm trong nhiều lĩnh vực. Có nhiều cán bộ tha hóa. Thủ tướng có quyết tâm chấn chỉnh tình trạng này hay không?

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp sáng 17-11-2016. Ảnh: Quốc Anh

Trả lời, Thủ tướng nhấn mạnh, Thủ tướng cùng hệ thống chính trị sẽ quyết liệt xử lý tình trạng bộ máy nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng để tạo niềm tin cho nhân dân trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Loại bỏ những cán bộ thoái hóa ra khỏi bộ máy. Sẽ có những giải pháp rất cụ thể. Thủ tướng vừa có chỉ thị về tăng cường kỷ luật hành chính, phải rèn luyện đạo đức cán bộ. Đi liền với đó là xử lý nghiêm khắc những tập thể, cá nhân sai phạm. Công khai minh bạch việc kiểm soát quyền lực, đây là việc rất cần thiết đối với bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Hạn chế xin-cho nhất là những lĩnh vực nhạy cảm. Cải cách chính sách tiền lương, tinh giản bộ máy. “Những giải pháp này cùng với quyết tâm chính trị của chúng ta, làm liên tục trong quá trình chỉ đạo, điều hành sẽ đáp ứng yêu cầu của nhân dân”, Thủ  tướng nói.

ĐB Lê Quân (Hà Nội) hỏi Chính phủ có giải pháp đột phá nào để giải quyết nợ xấu? Thủ tướng cho biết, nợ xấu hiện nay là bài toán mà Chính phủ phải giải quyết. Có 3 việc phải làm: phải có khung pháp lý tốt hơn; kiểm soát chặt chẽ không để phát sinh nợ xấu mới; kiểm soát chặt chẽ để nợ xấu phải giảm dần xuống, ví dụ phải "tiền tươi thóc thật" trong xử lý nợ xấu. Chính phủ đang có đề án xử lý nợ xấu, mục tiêu là giảm nợ xấu xuống, việc này sẽ báo cáo Quốc hội sau.

Không thể tiếp tục đổ tiền nhà nước vào các dự án thua lỗ

ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long): Chính phủ có giải pháp đột phá gì để phát triển ngành du lịch, vì Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng hiệu quả chưa cao?

Thủ tướng cho rằng, du lịch là kinh tế mũi nhọn của nước ta. Tiềm năng lớn nhưng lượng khách mới chỉ đạt 7,5 triệu lượt khách, rất thấp so với các nước trong khu vực.

Giải pháp nào để phát triển du lịch? Chính phủ đã có hội nghị toàn quốc về vấn đề này. Chúng ta phải có môi trường du lịch lành mạnh, hạn chế ăn xin, người lang thang; có nhiều sản phẩm tốt, có khung pháp lý hoàn thiện, quảng bá tốt, bảo đảm nguồn lực, nhân lực... Nếu làm tốt thì chắc chắn du lịch Việt Nam sẽ cất cánh.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, Chính phủ đã xử lý tốt việc nợ đọng văn bản. Nhưng biện pháp nào để tiếp tục nâng cao thể chế, đưa pháp luật vào cuộc sống hiệu quả hơn?. Những giải pháp để phát triển Tây Nguyên?

Thủ tướng cho rằng, thể chế là rất quan trọng để phát triển, các bộ ngành, địa phương phải chú trọng. Chính phủ vừa qua rất tập trung cho khâu này, lần đầu tiên không còn nợ đọng văn bản. Thời gian tới, phải tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, có nhiều người giỏi cho lĩnh vực này. Tuyên truyền mạnh để chính sách đi vào cuộc sống.

“Tây Nguyên là mái nhà của đất nước. Muốn phát triển phải chú trọng kết nối vùng, giữ rừng, giữ an ninh trật tự, phát triển thế mạnh của vùng”, Thủ tướng nói.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) chất vấn, tài sản công đang bị sử dụng lãng phí, kém hiệu quả. Vậy Chính phủ có giải pháp gì để sử dụng hiệu quả nguồn lực này? Thủ tướng thừa nhận còn nhiều lãng phí trong sử dụng tài sản công, từ đất đai, ô tô.. Thủ tướng đã có chỉ thị về vấn đề này. Tới đây, phải có nhiều hình thức để sử dụng hiệu quả như ban hành định mức sử dụng tài sản công, khoán xe công, xử lý người đứng đầu cơ quan lãng phí tài sản công... Mục tiêu là hạn chế tình trạng lãng phí đã kéo dài nhiều năm.

ĐB Thường cũng chất vấn, Chính phủ đã báo cáo về 5 dự án lớn có nguy cơ thua lỗ, phá sản. Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã giải trình nhưng ĐBQH, cử tri vẫn lo lắng. Thủ tướng nhấn mạnh, không sử dụng tiền thuế của dân để khắc phục hậu quả 5 dự án. Tinh thần là cắt lỗ, nếu không sử dụng được thì phải bán, thậm chí cho phá sản. Ngân sách không thể tiếp tục đổ vào đây. Từng dự án, Chính phủ sẽ xem xét để xử lý tốt nhất tài sản của Nhà nước và sẽ báo cáo Quốc hội ở kỳ họp sau.

Thủ tướng trả lời chất vấn ĐBQH trong phiên họp sáng 17-11-2016. Ảnh: LÃ ANH

Chính phủ nhiệm kỳ mới quyết tâm, đoàn kết

ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) hỏi, qua trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, Thủ tướng nhận xét gì về trí tuệ, phẩm chất của các thành viên Chính phủ, đây có phải là một tập thể Chính phủ tốt để xây dựng Chính phủ hành động như Thủ tướng kỳ vọng? Quan hệ Việt - Mỹ sẽ thế nào dưới thời tân Tổng thống Mỹ ?

Thủ tướng nói, Chính phủ mới thực hiện nhiệm vụ chỉ trong 7 tháng, tất cả đều quyết tâm, nỗ lực, đoàn kết, thống nhất để tạo nên một Chính phủ kiến tạo, liêm chính. 27 thành viên Chính phủ có những người rất xuất sắc, như “bàn tay có ngón ngắn ngón dài” nhưng tất cả đều đoàn kết thống nhất để thực thi nhiệm vụ tốt nhất.

Trả lời về mối quan hệ với Mỹ, Thủ tướng cho biết, 2 nước đã có 10 quy chế hợp tác, chúng ta tiếp tục thực hiện các quy chế đó. Đảng và Nhà nước kiên trì đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ. Việt Nam sẵn sàng hợp tác toàn diện với Mỹ trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền, đa phương hóa, đa dạng hóa. “Tôi tin quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ thời gian tới sẽ ngày càng tốt đẹp” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Xây dựng nền kinh tế tự chủ

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) thể hiện niềm cảm phục tinh thần làm việc của Thủ tướng, Chính phủ. ĐB cho rằng, lần này Quốc hội đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng. “Nhưng cách triển khai mới là quan trọng. Làm thế nào để đạt mục tiêu tốc độc tăng trưởng GDP 6,5-6,7% trong điều kiện vẫn bảo đảm kinh tế vĩ mô và an toàn nợ công. Giải pháp nào để cơ cấu lại nền nông nghiệp Việt Nam còn manh mún hiện nay?”, ĐB Trần Hoàng Ngân chất vấn.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp sáng 17-11-2016. Ảnh: Quốc Anh

Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Hoàng Ngân, Thủ tướng nói nền kinh tế Việt Nam có quy mô GDP chưa đến 200 tỷ USD, quy mô như vậy còn khá nhỏ, nợ công tỷ trọng lại cao. “Chỉ tiêu phát triển GDP 6,7% trong giai đoạn tới là khó nhưng Chính phủ sẽ quyết tâm, đề ra nhiều biện pháp từ đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, chi tiêu công. Tạo môi trường tốt hơn nữa để người dân hăng hái lao động tạo thêm nguồn lực”, Thủ tướng cho biết. Chúng ta phải luôn nỗ lực để tăng trưởng GDP để giải quyết việc làm, để phát triển, vì vậy dù còn khó khăn nhưng vẫn đặt mục tiêu cao để phát triển đi lên.

Về sự tự chủ độc lập của nền kinh tế, Thủ tướng cho biết, hội nhập sâu rộng nhưng phải luôn độc lập tự chủ. Trước hết là không phụ thuộc vào một thị trường, vào một đối tác.... “Phải có nhiều biện pháp mới thực hiện được. Trong đó có tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng thể chế, phát huy các thế mạnh của Việt Nam, mở rộng thị trường. Sự tự chủ về kinh tế sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo tự chủ, độc lập về chủ quyền”, Thủ tướng khẳng định.

Trả lời chất vấn của ĐB Trần Hoàng Ngân về tái cơ cấu nông nghiệp, Thủ tướng khẳng định nông nghiệp Việt Nam có những thế mạnh lớn. Tới đây, Chính phủ sẽ trình sửa về hạn điền, tạo điều kiện để tích tụ ruộng đất cho sản xuất lớn. Đẩy mạnh đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp, tăng tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp, bảo hiểm cho sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển hợp tác xã...Bước đi, cách làm thế nào sẽ tính toán nhưng quan điểm là phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, có những sản phẩm nông nghiệp tốt của từng địa phương.

Về vấn đề tinh giản biên chế, Thủ tướng cho biết có hơn 5.000 đơn vị công lập, viên chức trong hệ thống với trên 2,2 triệu người, đây chính là nút thắt trong tinh giản biên chế. Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh xã hội hoá các đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng bước đi, lộ trình như thế nào thì sau khi đề án của Chính phủ được Ban chấp hành Trung ương thông qua, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội.

Khắc phục những sơ hở của quy trình bổ nhiệm cán bộ

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn, bổ nhiệm cán bộ là vấn đề xã hội đang bức xúc. Vừa qua có hiện tượng cán bộ làm sai rồi bỏ trốn... Cử tri cho rằng, quy trình bổ nhiệm cán bộ có những điểm không ổn, thậm chí không còn phù hợp. Đánh giá, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ còn nể nang. “Làm sao để người tốt, người giỏi phải được bổ nhiệm, con em nông dân cũng phải được bổ nhiệm nếu đủ tiêu chuẩn. Bổ nhiệm được người tài là hồng phúc của quốc gia”, ĐB nêu.

Thủ tướng cho rằng, quy trình bổ nhiệm cán bộ có nhiều điểm tốt, nhưng còn bất cập sơ hở thì tới đây đã giao Bộ Nội vụ hoàn thiện quy trình để khắc phục triệt để những sơ hở, bất cập. Về giải pháp bổ nhiệm cán bộ, Thủ tướng cho rằng, phải làm tốt việc bổ nhiệm, phải công khai, thi tuyển minh bạch, có giám sát, đánh giá…mục tiêu là tuyển dụng được cán bộ tài giỏi, mở rộng cơ hội cho tất cả người tài. Vừa qua đã có nhiều đột phá trong quy trình lựa chọn cán bộ như thi tuyển, bầu cử có số dư... và sẽ phải có nhiều đột phá hơn nữa.

ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) yêu cầu cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong 5 dự án thua lỗ. ĐB cho rằng, càng kéo dài xử lý thì càng tốn kém, gây mất lòng tin. Vì vậy, cần dứt điểm sớm việc xử lý các dự án này.

Thủ tướng đồng tình, phải làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.  Cũng không kéo dài việc xử lý làm mất lòng tin của nhân dân. Phải  sớm có phương án xử lý, kể cả bán, cho thuê, phá sản, không thể xử lý theo kiểu "trùm mền đắp chiếu".

Xóa bỏ cơ chế xin - cho để hạn chế triệt để cơ hội tham nhũng

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) chất vấn Thủ tướng về quản lý Nhà nước trong DNNN. Qua trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương về 5 dự án thua lỗ đã cho thấy pháp luật có lỗ hổng lớn khi không xác định được trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước dù thất thoát tài sản rất lớn? Vậy tới đây phải có cơ chế như thế nào để chấm dứt tình trạng này? ĐB cũng hỏi giải pháp nào để phòng chống tham nhũng (PCTN) hiệu quả, xây dựng một Chính phủ liêm chính?

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cũng chất vấn, báo cáo của Chính phủ nêu PCTN còn phổ biến; lãng phí trong bộ máy Nhà nước và xã hội cũng còn nghiêm trọng. “Kết quả PCTN và lãng phí chưa hiệu quả phải chăng do Chính phủ chưa phối hợp, chưa phát huy đúng tầm vai trò của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân, vai trò của nhân dân?  Cần có cơ chế để phát huy điều đó”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu.

Trả lời, Thủ tướng cho rằng, chúng ta đã có cơ chế quản lý DNNN qua từng thời kỳ, lúc thuộc Chính phủ, lúc thuộc bộ ngành. Hiện Trung ương đã cho thành lập cơ quan quản lý vốn Nhà nước tại các DNNN. Giải pháp tới đây là đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, đi liền với đó là công khai, minh bạch, giám sát, thanh tra, kiểm tra quá trình cổ phần hóa DNNN. 

“Ngay sau kỳ họp Quốc hội kết thúc, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về quản lý DNNN để đặt rõ trách nhiệm của bộ ngành, địa phương”, Thủ tướng cam kết.

Để PCTN hiệu quả, Thủ tướng cho rằng phải hoàn thiện thể chế pháp luật, để không thể, không dám tham nhũng. Xóa bỏ cơ chế xin - cho để hạn chế triệt để cơ hội tham nhũng. Xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng. Phát huy sự giám sát của Mặt trận, đoàn thể nhân dân, báo chí đối với PCTN. Bảo đảm toàn xã hội đều có vai trò trong PCTN…

Sẽ có quy định về từ chức

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu một hiện tượng phổ biến trong bộ máy công quyền, làm phá vỡ kỷ cương phép nước, đó là phạt cho tồn tại. Biết sai nhưng cơ quan công quyền chỉ phạt một mức nhỏ, tiền còn lại tư túi. Thủ tướng có cam kết nhiệm kỳ của mình sẽ loại bỏ “phạt cho tồn tại” hay không?

Đáp lời ĐB Dương Trung Quốc, Thủ tướng cho rằng, phạt cho  tồn tại cũng là một thể chế mà chúng ta dựng lên. Nhưng bây giờ phải nghiên cứu lại trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn, cơ chế đã thực hiện. Quan điểm là khắc phục những sơ hở để xảy ra tiêu cực.  “Cần quy định rõ trường hợp nào thì 2 thẻ vàng, trường hợp nào thì rút thẻ đỏ luôn”- Thủ tướng ví von.

ĐB Dương Trung Quốc cũng cho rằng, văn hóa từ chức đã đến lúc chín muồi khi Chính phủ quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính. Thủ tướng có cho rằng đã đến lúc xây dựng một quy trình để cán bộ công chức viên chức từ chức nếu thấy cần thiết hay không? ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cũng hỏi tại sao văn hóa từ chức chưa có ở Việt Nam? Thủ tướng có mong muốn phát triển văn hóa này không?

Hoan nghênh ý kiến của các ĐB, Thủ tướng cho rằng, văn hóa từ chức là rất cần thiết. Thực tế có một số cán bộ muốn từ chức vì nhiều lý do, kể cả lý do sức khỏe. Thủ tướng giao Bộ Nội vụ nghiên cứu để có loại hình văn bản tạo điều kiện cho người từ chức được thực hiện văn hóa từ chức.

Không để vụ việc nào bị chìm xuồng

ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế) đặt câu hỏi: Trong thời gian tới, Chính phủ có đề án nào để phát triển kinh tế  biển gắn với giữ vững chủ quyền biển đảo? Tàu đánh cá của ngư dân còn lạc hậu, Chính phủ hỗ trợ thế nào để hỗ trợ người dân, giữ thế trận quốc phòng nhân dân trên biển?

Thủ tướng cho biết, BCH Trung ương Đảng đã có Nghị quyết về kinh tế biển, tới đây Chính phủ sẽ rà soát để làm rõ cần tiếp tục thực hiện tốt hơn ở khâu nào, trong dó có chương trình đánh bắt xa bờ,  hỗ trợ tín dụng lớn cho ngư dân…

ĐB Đặng Ngọc Nghĩa cũng chất vấn, cần có cơ chế nào để các Bộ trưởng phải nói đi đôi với làm. Có nên có một bản cam kết hành động của các Bộ trưởng gửi Quốc hội, công khai cho cử tri, nhân dân biết? Với đề xuất này thì Thủ tướng xin ý kiến Quốc hội, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thì từng thành viên Chính phủ sẽ có chương trình hành động của mình báo cáo Quốc hội.

ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) nêu câu hỏi, nhiều vụ dư luận bức xúc cứ nóng lên rồi chìm xuồng như biệt phủ ngàn tỷ, cán bộ đánh người...Làm sao để khắc phục điều đó? Thủ tướng khẳng định, không có vụ nào bị chìm xuồng, nếu có vụ nào có dấu hiệu thì ĐBQH phản ánh với Thủ tướng.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, nếu người lãnh đạo chú trọng tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo sẽ tăng niềm tin của dân, hạn chế khiếu nại kéo dài, vượt cấp, là giảm áp lực cho các cơ quan tư pháp. Nhưng công tác này vừa qua chưa tốt, Thủ tướng có giải pháp nào?

Thủ tướng cho rằng, cán bộ tiếp dân rất quan trọng, là khâu đầu tiên để lắng nghe xử lý, giải quyết vụ việc, vì vậy các bộ ngành, địa phương phải bố trí cán bộ giỏi, có khả năng dân vận để tiếp dân. Vừa qua, nhiều nơi chưa làm tốt khâu này, tới đây các bộ ngành, địa phương, từ cấp xã phải bố trí cán bộ có trình độ để tiếp dân.

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về sự cố Formosa, Thủ tướng khẳng định, nếu tái diễn sự cố thì đóng cửa Formosa. Thủ tướng mong nhân dân miền Trung nỗ lực vượt khó khăn, cùng Chính phủ khắc phục hậu quả sự cố.

ĐB Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cho rằng cần chăm lo thỏa đáng cho đội ngũ nhà giáo, bảo đảm lương của nhà giáo cao nhất trong bảng lương sự nghiệp. Nên chăng miễn học phí phổ thông để thực hiện chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu? Đáp lại, Thủ tướng đồng ý cần có chính sách tiền lương thỏa đáng cho giáo viên, nhưng trong bối cảnh đất nước còn khó khăn hiện nay thì mức nào sẽ do Hội đồng chính sách tiền lương quốc gia tính toán. Tương tự, việc miễn học phí phổ thông cũng là một đề xuất mà Chính phủ sẽ xem xét.

Còn 7 ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn nhưng vì hết thời gian, Thủ tướng sẽ trả lời bằng văn bản, trong đó có chất vấn về ngành công nghiệp ô tô, nợ xấu, biến đổi khí hậu.

Đáng chú ý, ĐB Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong yêu cầu Thủ tướng nói rõ “con đường” đi từ Bộ Công thương về Hậu Giang, ra nước ngoài của Trịnh Xuân Thanh? Cùng với đó, ĐB này cũng chất vấn đề việc mua các ngân hàng với giá 0 đồng. 

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục