Trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại - tố cáo, khi xem xét, kết luận rõ người dân đã bị oan sai, phiền hà, thiệt hại về vật chất và tinh thần do người thi hành công vụ gây ra; ngoài việc thực hiện trách nhiệm chấn chỉnh, khắc phục hậu quả và bồi thường, rất cần có sự xin lỗi người dân một cách thật chân thành. Xin lỗi không chỉ bằng văn bản mà phải kèm theo một hành động, phải xuất phát từ cái tâm và phải có ý thức trách nhiệm.
Lời xin lỗi của một cán bộ nhà nước khác xa lời xin lỗi bình thường của người dân trong giao tiếp; phải công khai minh bạch, cho người dân thấy được thành ý của người xin lỗi. Cán bộ nhà nước không được coi lời xin lỗi là biện pháp, đối sách để lẩn tránh trách nhiệm hay làm giảm nhẹ phần trách nhiệm của mình; không viện dẫn bất cứ lý do gì để biện minh trong lời xin lỗi và phải kèm theo những hành động, biện pháp cụ thể để chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Trong mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, lời xin lỗi phải thận trọng khi nói ra, vì phải hội đủ nhiều yếu tố để người dân cảm thông và hài lòng. Nói như thế không có nghĩa là cán bộ nhà nước hạn chế lời xin lỗi, mà trái lại, xin lỗi phải được coi như một quy trình trong cải cách thủ tục hành chính. Khi ký một văn bản xin lỗi người dân, tức là người đứng đầu cơ quan công quyền tỏ rõ thái độ cầu thị, cách hành xử có văn hóa trong quản lý công quyền và còn kiểm soát được hoạt động của chính cơ quan mình.
NGUYỄN MINH ÚT
(xã Mỹ lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An)