Vấn nạn an toàn xây dựng

Theo Bộ LĐTB-XH, riêng trong năm 2014, cả nước đã xảy ra hơn 6.700 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) khiến gần 7.000 người bị nạn, trong đó 592 vụ gây chết người.

Hơn 30% số vụ TNLĐ đó xảy ra ở các công trường xây dựng, điển hình là vụ sập giàn giáo tại công trường Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Hà Tĩnh), tiếp sau đó là hai vụ sập giàn giáo liên tiếp tại công trình 4 tầng ở Hậu Giang vào chiều 9-7 và tại công trình 17 tầng tại TPHCM vào sáng 10-7… Thế nhưng, theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB-XH), đó mới chỉ là những con số thống kê chính thức, được báo cáo từ các doanh nghiệp sử dụng lao động. Con số này chỉ bằng khoảng 10% số vụ TNLĐ xảy ra trong thực tế. Riêng số người thương vong có cập nhật thêm từ các nguồn khác và từ các bệnh viện ít nhất phải tăng hơn 3 - 4 lần so với con số được báo cáo. Mặc dù sau mỗi vụ tai nạn xảy ra, các cơ quan chức năng đều vào cuộc, các bộ ngành liên quan đã trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo khắc phục sự cố, điều tra nguyên nhân, nhưng các sự cố tại các công trường xây dựng vẫn liên tiếp xảy ra với mức độ nghiêm trọng.

Có một thực tế là, không ít chủ đầu tư, nhà thầu thường đổ vấy trách nhiệm cho người lao động khi có sự cố xảy ra. Họ cho rằng người lao động đã cẩu thả, chủ quan, coi thường vấn đề an toàn lao động cũng như không tuân thủ các quy định, không thực hiện đúng quy trình thi công. Tuy nhiên, sau khi phân tích, đánh giá các sự cố đã xảy ra, Bộ Xây dựng, Bộ LĐTB-XH đều thống nhất cho rằng, để xảy ra sự cố, đầu tiên phải nói đến trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu. Họ chưa làm hết trách nhiệm của mình trong công tác bảo đảm an toàn lao động. Theo Bộ LĐTB-XH, kết quả thanh tra mới đây tại các địa phương cho thấy có tới 23/49 doanh nghiệp được kiểm tra không hề tổ chức huấn luyện về an toàn cho người lao động, 10/49 đơn vị không kiểm định kỹ thuật các trang thiết bị máy móc thi công với 159 thiết bị không được kiểm định kỹ thuật. Nhiều trang thiết bị máy móc bị hư hỏng, xuống cấp kể cả những loại thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn.

Tệ hại hơn, việc thiết kế, lắp đặt các giàn giáo tại nhiều công trình xây dựng rất lỏng lẻo, không tuân thủ quy trình. Việc đổ lỗi cho người lao động là rất khó chấp nhận bởi lẽ chính người sử dụng lao động có trách nhiệm ngay từ khi tuyển dụng phải đảm bảo lao động có trình độ phù hợp, được huấn luyện đầy đủ. Chỉ khi nào môi trường lao động đã đảm bảo an toàn, trang thiết bị được kiểm định đúng quy định, lao động đã được sử dụng phù hợp, được huấn luyện về đảm bảo an toàn, mà sự cố vẫn xảy ra, thì khi ấy người lao động mới bị xem xét xử lý trách nhiệm.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Bộ Xây dựng, Bộ LĐTB-XH cũng thừa nhận, tuy hệ thống văn bản quy phạm tương đối đầy đủ, trách nhiệm của các bên được quy định khá rõ ràng nhưng lực lượng kiểm tra, giám sát việc thực thi còn quá thiếu. Tần suất kiểm tra, kiểm soát việc thi công các công trình xây dựng không nhiều, chủ yếu theo kế hoạch, ở vùng sâu, vùng xa lại càng buông lỏng. Bên cạnh đó, chế tài xử lý, xử phạt vi phạm chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe.

Luật Xây dựng vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có nhiều điểm mới liên quan đến bảo đảm an toàn trong xây dựng, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các bên; trong đó có trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các bộ ngành, các cấp chính quyền... Để khắc phục vấn đề chất lượng nhà thầu, Bộ Xây dựng sẽ nêu đích danh các nhà thầu kém và cấm những nhà thầu vi phạm nghiêm trọng các quy định về xây dựng tham gia các công trình mới. Việc báo cáo thống kê về TNLĐ cũng sẽ được làm chặt chẽ, chính xác hơn. Hy vọng rằng với các giải pháp đảm bảo an toàn sau khi thực thi Luật Xây dựng mới, an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng sẽ được cải thiện.


MINH DUY

Tin cùng chuyên mục