Trong các số báo ngày 11, 12 và 15-1-2013, Báo SGGP có đăng loạt bài “Xuất khẩu nông sản - Phía sau câu chuyện thần kỳ”, phản ánh những bất cập trong hoạt động xuất khẩu nông sản nước ta. Tôi rất đồng tình và xin phân tích thêm một vấn đề cần khắc phục, đó là chạy theo thành tích xuất khẩu gạo nhưng lại kém về hiệu quả thực tế.
Còn nhớ, ngày 2-11-2012 tại TPHCM, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức hội nghị sơ kết tình hình xuất khẩu gạo tháng 10-2012 và kế hoạch xuất khẩu gạo tháng 11-2012. Tại hội nghị này, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết: Từ cuối tháng 9-2012 Việt Nam đã vươn lên vị trí đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Từ nhận định đó, nhiều báo, đài trong nước đã tập trung tuyên truyền một cách đầy tự hào về vị thế “nhất thế giới” trong lĩnh vực xuất khẩu gạo của nước ta. Thế nhưng đến bây giờ mới hay thông tin đó không chính xác.
Theo số liệu thống kê của VFA mới công bố, trong năm 2012 nước ta xuất khẩu được 7,72 triệu tấn gạo, vẫn giữ vị trí thứ hai thế giới, còn đứng đầu là Ấn Độ (xuất khẩu 9,7 triệu tấn gạo). Nước từng giữ vị trí số một về xuất khẩu gạo suốt gần 30 năm qua là Thái Lan tạm thời lui xuống vị trí thứ ba với 6,5 triệu tấn. 3 thứ hạng trên không có gì bất ngờ, vì một số tổ chức chuyên môn có uy tín trên thế giới như IGC (Hội đồng Ngũ cốc quốc tế), USDA (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ)… đã dự đoán và công bố trước đó mấy tháng.
Việc Thái Lan tạm thời mất danh hiệu nhất thế giới về xuất khẩu gạo là do chủ ý của chính phủ nước này, nhằm mục đích nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân. Cụ thể, giá lúa trung bình ở thị trường Thái Lan vừa qua khoảng 9.000 baht (tương đương 300USD)/tấn nhưng nhà nước thu mua của nông dân để tạm trữ với giá từ 15.000 đến 20.000 baht (500 - 666USD)/tấn, tùy loại lúa gạo thường hay ngon (cao hơn gấp đôi so với giá thu mua tại Việt Nam).
Nông dân Thái Lan có quyền tự do bán lúa gạo cho bất cứ ai mua với giá cao nhất; còn nếu không ai mua cao hơn giá sàn thì họ để lại bán cho nhà nước, chẳng mất đi đâu (nhà nước bảo đảm mua hết lúa gạo của nông dân). Do giá gạo tăng, khiến sức cạnh tranh trên thị trường thế giới bị giảm nên lượng gạo xuất khẩu năm 2012 của Thái Lan tạm thời bị giảm. Nhưng theo dự báo của IGC, do tiềm lực còn rất dồi dào nên trong năm 2013 Thái Lan sẽ giành lại vị trí nhất thế giới về xuất khẩu gạo (ước tính 7,9 triệu tấn); Ấn Độ thứ nhì (6,9 triệu tấn); Việt Nam thứ ba (6,7 triệu tấn). Đó là những con số ước tính mà VFA cần nghiên cứu, tham khảo.
Tuy dự đoán không đúng vị trí nhất thế giới về xuất khẩu gạo năm 2012, tại hội nghị tổng kết tình hình xuất khẩu gạo năm 2012 và phương hướng xuất khẩu gạo năm 2013 vào ngày 7-1-2013 tại TPHCM, lãnh đạo VFA tiếp tục tự hào tuyên bố: Xuất khẩu gạo năm 2012 đạt mức “kỷ lục”, “cao chưa từng có”, “tăng cả lượng và chất”. Tuy nhiên, có một vấn đề rất quan trọng lại không thấy đề cập, đó là tuy xuất khẩu gạo năm nay đạt mức kỷ lục nhưng tiền thu được lại giảm so với năm trước.
Cụ thể, năm 2011, với 7,1 triệu tấn gạo xuất khẩu, nhà nước thu được hơn 3,6 tỷ USD. Còn năm 2012, với 7,72 triệu tấn (tăng hơn 600.000 tấn) nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 3,4 tỷ USD. Nước ta hiện có hơn 88 triệu dân, 70% trong số đó (hơn 61 triệu người) sống ở nông thôn (hầu hết là nông dân) nhưng xuất khẩu gạo cả năm thu về được có 3,4 tỷ USD, bình quân chỉ đạt 38 USD/nông dân. Đó là con số vô cùng khiêm tốn, chẳng phải là thành tựu to lớn gì như một số người lầm tưởng.
Thành tích dẫu đáng trân trọng nhưng say sưa đến nỗi thổi phồng lên quá giá trị mà nó vốn có, lắm khi gây ra phản tác dụng, suy cho cùng là điều không nên!
Phan Trọng Hiền (Bình Thạnh, TPHCM)
| |
| |