Vào mùa hàng tết

Thời điểm này, các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn “nước rút” sản xuất hàng hóa phục vụ dịp tết. Theo dự báo của các doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, cao điểm mua sắm tết năm nay sẽ rơi vào khoảng 5 tuần trước tết (từ ngày 7-1 đến 10-2-2024).

Nhiều doanh nghiệp đang tập trung chuẩn bị hàng hóa tết
Nhiều doanh nghiệp đang tập trung chuẩn bị hàng hóa tết

Hệ thống bán lẻ tăng hàng, giữ giá

Theo ghi nhận từ các nhà bán lẻ, từ đầu tháng 12-2023, sức mua sắm của người tiêu dùng đã bắt đầu tăng nhiệt, tập trung vào những ngành hàng như thời trang, hóa mỹ phẩm, hàng gia dụng… Các nhà bán lẻ cũng dự báo, cao điểm mua sắm tết năm nay sẽ rơi vào khoảng 5 tuần trước tết (từ ngày 7-1 đến 10-2-2024). Do vậy, các thương hiệu bán lẻ lớn như Co.opmart, Co.opXtra, MM Mega Market, Big C, GO!, Tops Market, Emart, Lotte Mart, Aeon… một mặt tăng tích trữ hàng hóa, mặt khác tính toán giữ giá, trợ giá kèm khuyến mãi hấp dẫn lên đến 50% với hàng ngàn mặt hàng thiết yếu từ nay đến tết.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart kiêm Giám đốc Marketing Saigon Co.op, dự báo, người dân sẽ bắt đầu tập trung mua sắm trong khoảng 3-4 tuần trước Tết Nguyên đán, Saigon Co.op kỳ vọng sức mua và lượt khách tăng từ 20%-30% so với tháng bình thường. Sức mua sẽ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như bánh mứt kẹo, bánh chưng bánh tét, giò chả, dưa hành củ kiệu, trái cây trưng bày mâm ngũ quả…

Từ những nhận định này, Saigon Co.op đã triển khai công tác dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu ngay từ giữa năm 2023. Theo đó, tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu phục vụ tết của Saigon Co.op lên đến 10.000 tỷ đồng, tăng từ 20%-50% (tùy nhóm hàng) so với tháng kinh doanh bình thường. Phần lớn ngân sách ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường như: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản; còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản tết.

Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng từ sớm, nhà bán lẻ này cũng dự báo, tết năm nay người tiêu dùng sẽ có xu hướng ưu tiên mua thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và sản phẩm có giá thấp, được khuyến mãi. Vì vậy, Saigon Co.op đã lên kế hoạch tổ chức các chương trình khuyến mãi giảm sâu, tập trung vào hàng hóa thiết yếu.

Đáng chú ý, từ giữa tháng 12-2023, Saigon Co.op đã thực hiện loạt hoạt động giảm giá trực tiếp từ 50%-100% cho hơn 10.000 sản phẩm tết. Theo kế hoạch, chuỗi chương trình này kéo dài đến sát Tết Nguyên đán, đặc biệt, 10 ngày cận tết tiếp tục giảm giá sâu hơn để giảm áp lực mua sắm cho người dân; đồng thời duy trì song song các chương trình khuyến mãi tặng quà, tặng điểm thưởng mức cao và phiếu quà tặng… Ngoài ra, những ngày cận tết, Saigon Co.op luân phiên giảm giá mạnh cho hàng ngàn sản phẩm theo thứ tự ưu tiên gồm: sản phẩm vệ sinh và trang trí nhà cửa; sản phẩm chăm sóc cá nhân, hàng thời trang; giỏ quà tết, các loại thực phẩm ngâm, mứt và gia vị; cận tết là lạp xưởng, trái cây, thịt kho trứng vịt, bánh chưng, mâm cỗ tết.

Tăng kích cầu để đẩy sức mua

Cùng với nỗ lực tăng lượng hàng dự trữ và giữ ổn định giá hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu vào thời gian cao điểm mua sắm cuối năm, Bộ Công thương cũng gấp rút làm việc với các tỉnh, thành để triển khai chương trình bình ổn giá. Cũng theo Bộ Công thương, sức mua hàng dịp Tết Giáp Thìn 2024 có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng sẽ khó có thể xảy ra biến động mạnh về giá. Bởi đến thời điểm hiện tại, một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Ninh Thuận... đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024.

Trong đó, địa phương đã giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân phối hàng hóa chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn thị trường đưa hàng hóa đến tay người dân với giá cả ổn định.

Đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho biết thêm, để chuẩn bị cung ứng cho cao điểm mua sắm dịp cuối năm của người dân, doanh nghiệp thành viên của hiệp hội đã chủ động tăng lượng hàng hóa sản xuất từ đầu tháng 9. Tuy nhiên, khác với các năm trước, nguồn hàng dự trữ thêm năm nay không nhiều do e ngại sức mua hạn chế.

Ngoài ra, những tác động về giá nguyên liệu đầu vào, xăng dầu, điện, logistics tăng cao kéo theo giá thành sản phẩm tăng nhẹ trước đó cũng ảnh hưởng nhất định đến tâm lý mua sắm của người dân. Do vậy, để có thể hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng lượng hàng cung ứng nhưng vẫn giữ ổn định giá nhằm chia sẻ khó khăn với người dân, các cơ quan chức năng cần triển khai hiệu quả hơn gói hỗ trợ vốn, tăng cường các chương trình kích cầu, khuyến mãi… để tăng sức mua.

Tin cùng chuyên mục