Vì sao từ chối chở mắm?

Sáng ngày 8-10-2007, tôi đến sân bay Đà Nẵng đáp chuyến bay BL595 của Hãng Hàng không Pacific Airlines (PA) đi TPHCM. Thủ tục đã xong, đang đứng chờ lên máy bay thì có tiếng loa gọi tôi đến chỗ đăng ký hành lý gởi. Tại đây, người phụ trách cho biết trong hành lý của tôi có mắm, là “vật có mùi” nên không thể đưa lên máy bay.

Thế là tôi phải lấy ra khỏi vali của mình 15 hủ mắm ruốc và mắm tôm mới mua ở TP Huế hôm trước, được người bán bao gói rất kỹ, rất chuyên nghiệp, bởi họ biết tôi sẽ mang đi Pháp. Chúng mà rò rỉ thì coi như quần áo, vật dụng của tôi trong chiếc vali… tiêu tùng! Tôi định mang chúng về làm quà cho bà nhà tôi, vì đây là những món ăn bà ấy rất thích.

Tôi thắc mắc, mắm Huế không phải là loại hàng cấm. Đồng thời, trên vé máy bay cũng như tại sân bay, hành khách không đọc được dòng chữ nào của hãng máy bay căn dặn hành khách không được đưa các loại mắm lên máy bay dù là hàng ký gởi.

Tôi cho rằng Pacific Airlines, một hãng máy bay của Việt Nam phải biết các loại mắm là thức ăn đậm đà nét văn hóa ẩm thực Việt, món ăn mà từ lâu dân ta đã xem nó là “quốc hồn – quốc túy”. Vả lại đây là đường bay nội địa mà “ứng xử” như thế là quá cửa quyền! Việc từ chối vận chuyển mắm với lý do “chất có mùi” của PA xem ra khó chấp nhận.

Việt Nam đang trên đường hội nhập. Người Việt chúng ta có mặt ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bà con kẻ đi người về thăm đất nước và khi tạm biệt quê hương gần như ai cũng mang theo ít quà để dùng và để biếu, trong đó có món mắm Việt Nam. Các hãng máy bay nước ngoài còn chuyên chở được, cớ sao hãng máy bay của ta lại thẳng thừng từ chối vận chuyển?! Mới đây, qua báo chí, được biết một thanh niên gốc Việt đã đoạt giải nấu ăn ở Mỹ, mà món đó ngon và được điểm cao là nhờ… có nước mắm Việt Nam. Theo tôi, các hãng máy bay Việt Nam không nên quá máy móc khi từ chối chuyên chở các loại mắm Việt nếu như nó đủ điều kiện bao gói an toàn.

Trương Minh Dương
(Việt kiều Pháp)

Tin cùng chuyên mục