Trong tuần qua liên tiếp xảy ra 2 vụ án mạng trong nhà trường, một vụ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một vụ tại tỉnh Hải Dương. Cả 2 thủ phạm giết bạn học đều là học sinh 14 tuổi, một học lớp 8 và một học lớp 9. Án mạng xảy ra chỉ từ những mâu thuẫn nhỏ giữa các học sinh. Phụ huynh học sinh khi đọc các tin này phải giật mình lo sợ.
Trong những vụ án mạng ngay tại trường học, nạn nhân và hung thủ đều là học sinh lớp 7 đến lớp 10, trong tuổi vị thành niên, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, suy nghĩ nông nổi, nóng nảy nhất thời. Mâu thuẫn dẫn đến những vụ án thương tâm đó chủ yếu là từ xô xát, kênh kiệu nhau.
Khi án mạng xảy ra, cả hai bên cha mẹ của thủ phạm và nạn nhân đều gánh chịu nỗi đau thương, mất mát. Và nỗi đau ấy kéo dài suốt đời. Gia đình, nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục, ban giám hiệu, thầy cô giáo, học sinh… ai là người phải chịu trách nhiệm chính khi xảy ra các vụ án mạng này? Đó là câu hỏi đau lòng. Những người có trách nhiệm đã chưa quan tâm đầy đủ và làm hết trách nhiệm của mình trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách sống và hiểu biết pháp luật cho con cái, học sinh của mình. Vấn đề đặt ra ở đây là giải pháp nào, phương cách giáo dục nào để không bao giờ xảy ra những vụ án mạng như vậy nữa.
Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội và bị chi phối trong sự ràng buộc của các mối quan hệ đó. Lẽ ra khi xảy ra một vụ trọng án trong học đường, ngành giáo dục phải vào cuộc một cách quyết liệt, lý giải nguyên nhân, mổ xẻ trách nhiệm, tìm ra biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa, tuyệt đối không để xảy ra những trường hợp án mạng tương tự.
Các trường học nên tổ chức hội thảo giáo dục công dân ngoại khóa, cảnh báo học sinh tại buổi chào cờ đầu tuần. Đồng thời quan tâm liên hệ, thông báo với phụ huynh học sinh về đạo đức của học sinh. Phải có hình thức kỷ luật nghiêm khắc với các học sinh đem hung khí vào trường; khuyến khích học sinh phát hiện, báo cáo với nhà trường những học sinh có mang theo hung khí trong cặp, trong người.
Tổ chức đoàn thể trong trường học cần tăng cường sinh hoạt, đối thoại, giao lưu giữa học sinh các khối lớp trong trường với nhau để nói về đạo đức học sinh trong bổn phận làm con, làm trò, biết ơn sinh thành của cha mẹ, ơn giáo dục của thầy cô, biết quý trọng tình bạn bè chung trường, chung lớp; và xây dựng mối quan hệ tốt, làm cho học sinh trong trường có sự hiểu biết, chan hòa, yêu thương, tự hào với ngôi trường của mình đang học, xem bạn cùng trường, cùng lớp như anh em, bạn bè thân thiết của mình.
Vì sự an toàn của học đường, vì an ninh của xã hội cần phải có sự tham gia đồng bộ của các ban ngành, đoàn thể, gia đình và toàn xã hội để không còn có những vụ án đau lòng trong học đường nữa.
NGUYỄN NGỌC CƠ
(Phó phòng Đoàn thể Ban Dân vận Thành ủy TPHCM)