Việc thu phí các phương tiện giao thông: Cần tôn trọng quyền giám sát của người dân

Về việc thu phí ô tô, xe máy

* Hàng chục câu hỏi đã được các đại biểu Quốc hội gửi tới Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng trong phiên giải trình trước Ủy ban Pháp luật Quốc hội ngày 24-4. Trong số đó, nhiều đại biểu đã xoáy sâu vào việc Bộ GTVT cần làm rõ đề xuất thu hàng loạt phí sẽ đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng như thế nào. Đọc các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tôi thấy yên lòng hơn. Các đại biểu đã thay dân nói lên ý kiến.

Như lý giải của Bộ trưởng Bộ GTVT, việc thu phí nhằm hạn chế phương tiện giao thông và tăng thu ngân sách đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng để hạn chế phương tiện giao thông qua chính sách thu phí rất khó, vì có nhiều yếu tố để hạn chế phương tiện giao thông, còn biện pháp thu phí tác dụng rất kém.

Trong thời điểm kinh tế và đời sống khó khăn hiện nay, bài toán thu phí rõ ràng còn nhiều bất cập. Phí được hiểu là dịch vụ do đơn vị, doanh nghiệp cung ứng cho người dân, muốn sử dụng dịch vụ cao cấp, tiện lợi thì phải đóng phí. Nhưng một khi dịch vụ chưa tốt mà lại thu phí thì không ổn. Nộp thuế là nghĩa vụ nhưng cần tôn trọng quyền giám sát của người dân. Nếu như ngành GTVT muốn đưa ra khẩu hiệu dân đóng phí thể hiện lòng yêu nước thì chính ngành GTVT cũng cần phải có những khẩu hiệu cho chính mình như không tham nhũng là yêu nước, không rút ruột công trình là yêu nước...

Thiên Ngân (Quận Tân Phú, TPHCM)

* Thời gian qua, trong bối cảnh kinh tế và đời sống khó khăn, dư luận luôn căng thẳng vì ngành GTVT liên tục đề xuất bổ sung các loại phí đối với các phương tiện giao thông. Phương tiện vận tải đường bộ đang đóng bao nhiêu loại phí khi lưu thông trên đường? Những phí này ai trả? Chắc chắn rằng không phải chủ xe trả. Xe vận tải hàng hóa thì mọi loại phí đều tính vào giá hàng hóa, xe khách tính vào giá vé. Không có chủ xe nào bỏ tiền doanh thu vận tải cho phí vận tải. Vận tải là ngành sản xuất, sản xuất lỗ thì ngừng sản xuất. Mà vận tải ngừng sản xuất ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xã hội.

Với nhiều loại phí đánh vào các phương tiện giao thông, thực tế người dân phải đi lại như thế nào trong khi phương tiện vận tải công cộng còn hạn chế nhiều mặt? Giao thông đi lại hàng ngày ở thành phố đô thị là một nhu cầu xã hội tất yếu. Tham gia giao thông gồm nhiều thành phần dân cư đô thị. Ở TPHCM, nhu cầu giao thông đi lại hàng ngày rất lớn.

Với thành phần dân cư đa dạng, đông dân ngoại tỉnh đến sinh sống và học tập, việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong khi nhu cầu đi lại hàng ngày không giảm liệu có giảm được ùn tắc giao thông?

Giao thông ở thành phố đô thị cần đến những quy hoạch tổng thể và quản lý đồng bộ. Những loại phí đặt ra tùy tiện sẽ không giải quyết được vấn đề.

Lê Văn Chắc (Quận 3, TPHCM)

Về việc thu phí ô tô, xe máy

- Cần tính toán kỹ lưỡng

- Bộ trưởng Đinh La Thăng: Cứ làm ngay để giảm ùn tắc

- Thêm gánh nặng cho người dân

- Dự kiến phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân cao nhất 50 triệu đồng/xe/năm

Tin cùng chuyên mục