
Trang tin điện tử Đài CCTV ngày 20-6 đưa tin, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố nước này sẽ sẵn sàng hợp tác với ASEAN để thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Triển khai thêm nhiều giàn khoan
|
Tuyên bố được đưa ra trước thềm cuộc họp lần thứ 11 giữa ASEAN và Trung Quốc về việc thi hành Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Cuộc họp sẽ diễn ra vào 2 ngày 24 và 25-6 ở Bali, Indonesia. Trước đó, vào tháng 3-2014, các quan chức Trung Quốc và ASEAN đã họp tại Singapore trong cuộc họp chung lần thứ 10 về triển khai DOC. Ngoài văn bản này, các nước ASEAN mong muốn thúc đẩy sự ra đời của bộ quy tắc ứng xử có tính chất ràng buộc hơn, được gọi là COC, nhằm giải quyết các tranh chấp ở biển Đông.
Tuyên bố cũng được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều thông tin cho biết Trung Quốc triển khai thêm 3 giàn khoan tới hoạt động trên biển Đông. Theo hãng tin Reuters, trang web của Tổng cục an toàn hàng hải Trung Quốc cho biết giàn khoan Nam Hải số 2 và số 5 sẽ được triển khai ở vùng biển giữa miền Nam Trung Quốc và quần đảo Đông Sa do lãnh thổ Đài Loan đang kiểm soát. Giàn khoan Nam Hải số 4 sẽ hoạt động gần bờ biển Trung Quốc. Cả 3 giàn khoan này sẽ có mặt ở các khu vực trên vào ngày 12-8.

Trung Quốc vẫn duy trì nhiều tàu tại khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.
Trước đó, Bắc Kinh đã điều thêm giàn khoan Nam Hải số 9. Đây là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi của Tổng Công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC). Theo đánh giá của bà Holly Morrow, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Dự án địa chính trị năng lượng tại Trung tâm các vấn đề quốc tế và khoa học Belfer thuộc Đại học Harvard (Mỹ), tọa độ giàn khoan Nam Hải số 9 mà Trung Quốc công bố có thể vị trí cuối cùng của giàn khoan này sẽ nằm trên, hoặc sát với đường trung tuyến trên biển giữa Việt Nam và đảo Hải Nam.
Quốc tế ủng hộ Việt Nam
Trên báo Yomiuri vừa đăng bài viết của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng, tố cáo những lý lẽ xuyên tạc, bóp méo của Trung Quốc để ngụy biện cho tuyên bố chủ quyền không có căn cứ của Bắc Kinh đối với quần đảo Hoàng Sa, cũng như những hành động hung hăng liên quan tới việc thăm dò dầu khí tại khu vực này. Bài viết nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Trung Quốc nhưng sẽ kiên quyết áp dụng mọi biện pháp hòa bình mà luật pháp quốc tế cho phép để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ hòa bình và công lý. Việt Nam mong muốn nhân nhân thế giới, trong đó có nhân dân Nhật Bản tiếp tục ủng hộ nhân dân Việt Nam.
Ngày 19-6, tại trụ sở hãng thông tấn Itar-Tass ở thủ đô Mátxcơva, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga Phạm Xuân Sơn đã họp báo thông báo quan điểm của Việt Nam về biển Đông cho bạn bè và truyền thông Nga. Trong buổi họp báo, Đại sứ Phạm Xuân Sơn cũng thông báo vắn tắt về tình hình kinh tế - xã hội, chính sách đối ngoại của Việt Nam, hiện trạng quan hệ Nga - Việt Nam cũng như thực tế tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc tại biển Đông. Đại sứ Phạm Xuân Sơn khẳng định trong thời gian vừa qua, Việt Nam vẫn kiên trì theo đuổi đối thoại và tiếp xúc nghiêm túc ở nhiều cấp với Trung Quốc. Ông Phạm Xuân Sơn cho biết nhiều tổ chức quốc tế, các nhà lãnh đạo nước ngoài đã ủng hộ Việt Nam, bày tỏ đoàn kết với Việt Nam phản đối hành động bất hợp pháp của Trung Quốc.
THANH HẰNG (tổng hợp)
>> Nhất trí duy trì kênh tiếp xúc để giải quyết tranh chấp trên biển