Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, thế giới hiện nay đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn, trong đó các vấn đề an ninh phi truyền thống, đặc biệt là đại dịch Covid-19 hiện đang diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng, sâu rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội. “Những thách thức này cho thấy hơn bao giờ hết, chủ nghĩa đa phương có vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối, gia tăng nguồn lực quốc gia, phát huy sức mạnh tập thể nhằm ứng phó hiệu quả hơn trước những vấn đề mang tính toàn cầu”, người đứng đầu Quốc hội Việt Nam nhận định.
Thông tin đến các vị Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong những năm qua, Quốc hội Việt Nam đã tham gia tích cực vào các cơ chế liên nghị viện khu vực và thế giới, góp phần củng cố hòa bình, thúc đẩy hợp tác và triển khai các mục tiêu phát triển bền vững. Trong năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Chủ tịch ASEAN và Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA). Với những trọng trách đó, Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp vào những nỗ lực thúc đẩy hợp tác đa phương hiệu quả và bền vững hơn.
Tại phiên thảo luận với chủ đề “Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, để thúc đẩy hơn nữa hành động của các nghị viện đối với tình trạng khẩn cấp biến đổi khí hậu, các nghị viện cần thực hiện việc giám sát, phê chuẩn các văn kiện quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy ban hành chính sách đổi mới, tái cấu trúc nền kinh tế phù hợp với xu hướng phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu các tác hại của biến đổi khí hậu về chính trị, kinh tế, xã hội…