Vĩnh biệt bác Hà Văn Lâu - Nhà quân sự, nhà ngoại giao đáng kính!

Bác Hà Văn Lâu đã qua đời vào tuổi 98. Tên tuổi bác đã ghi dấu ấn đậm nét vào những thời kỳ cuộc chiến tranh ác liệt chống xâm lược Pháp, Mỹ của dân ta. Bác đã có những cống hiến rất đáng trân trọng suốt từ năm 1945 đến nay.
Vĩnh biệt bác Hà Văn Lâu - Nhà quân sự, nhà ngoại giao đáng kính!

Bác Hà Văn Lâu đã qua đời vào tuổi 98. Tên tuổi bác đã ghi dấu ấn đậm nét vào những thời kỳ cuộc chiến tranh ác liệt chống xâm lược Pháp, Mỹ của dân ta. Bác đã có những cống hiến rất đáng trân trọng suốt từ năm 1945 đến nay.

Nhà ngoại giao lão thành Hà Văn Lâu. Ảnh: Vietnam+

Chúng tôi đến Bệnh viện Thống Nhất thăm bác, hy vọng được nói đôi điều với Bác vào lúc xế chiều này - nhưng không được rồi! Bác chỉ nhìn để biểu hiện đây là lần cuối cùng Bác chia tay.

Bác Hà Văn Lâu sinh tháng 11 năm Mậu Ngọ (1918). Bác đã vượt qua tuổi những người xưa nay hiếm. Tên tuổi bác Hà Văn Lâu đã được gắn với địa danh lịch sử nổi tiếng Phú Văn Lâu, nơi nhà Vua yêu nước Duy Tân đã nhiều lần ngồi tại đây để suy tư về sự nghiệp dân tộc khỏi họa xâm chiếm của thực dân Pháp. Chính nơi đây, cụ Hà Văn Phu - thân sinh bác Hà Văn Lâu - đã đặt tên cho con mình là Lâu, phải chăng là lời dự báo về ước nguyện sau này cho con mình cố gắng làm nên sự nghiệp.

Năm 1945, bác Lâu đã xông pha ngay vào cuộc kháng chiến, đảm nhận chỉ huy trưởng mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa.

Sau những năm tháng ác liệt ở mặt trận này, bác lại bước vào một thời kỳ mới, chỉ huy trưởng mặt trận Bình Trị Thiên - một mặt trận với bao chiến tích vang dội trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Vào thời kỳ này, bác Lâu vinh dự được gặp Bác Hồ. Bác Hồ đã khen ngợi quân dân Bình Trị Thiên, trong đó có bác Lâu, người con của làng Sình bên dòng sông Hương của Thừa Thiên - Huế.

Sau những năm tháng lăn lộn ở chiến trường, bác Hà Văn Lâu được điều về làm Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham Mưu - một vị trí cực kỳ quan trọng của cơ quan Tổng Hành Dinh của cuộc kháng chiến. Cũng từ đây, bác lao vào thực thi nhiệm vụ chiến lược của Đảng là chiến lược “Đánh - Đàm”. Bác Lâu đã gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ đây, bác tham gia vào cuộc đàm phán với đối phương về Hiệp định Geneve 1954. Tên tuổi Hà Văn Lâu, Trưởng phái đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Quốc tế, đã được gắn liền với cuộc đấu tranh quyết liệt với đối phương để thi hành Hiệp định Geneve kéo dài đến mười mấy năm sau.

Tiếp đến là cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược kéo dài, và cuối cùng cũng phải bước vào giai đoạn “Đánh - Đàm”. Lần thứ hai, bác Lâu lại được cử vào cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao đàm phán với Mỹ kéo dài nhiều năm. Cuối cùng Hiệp định Paris được ký kết; từ đó cho đến nay đã hơn 40 năm. Từ đây, bác đã chính thức về với ngành ngoại giao, kinh qua nhiều nhiệm kỳ làm Đại sứ tại Pháp, Cuba, Mỹ... và cuối cùng đảm nhận chức vụ Thứ trưởng cho đến khi về hưu.

Với bề dày kinh nghiệm làm ngoại giao, bác Lâu đã từng được giao nhiệm vụ tại những địa bàn rất nóng. Bác luôn hoàn thành công việc xuất sắc. Bạn bè quốc tế đánh giá cao mối quan hệ mà bác đã tạo dựng giữa cộng đồng quốc tế với Việt Nam.

Bước vào thời kỳ ngoại giao thực hiện chiến lược đổi mới, tuy tuổi lúc đó đã cao, nhưng bác vẫn giữ được sự minh mẫn và tính nguyên tắc trong nhiệm vụ. Nội bộ ngành vẫn truyền miệng với nhau câu nói: “Bác Lâu là người cả văn cả võ rất đều tay”. Một con người như thế lúc đương thời cũng như lúc ra đi đã để lại sự mến mộ và kính trọng của nhiều người.

Bác Lâu đã trải qua nhiều chông gai, nhưng đầy chiến tích; đồng nghiệp, bạn bè, con cháu rất tự hào về bác.

Mới đây, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải có đặt câu hỏi cho tôi về xung quanh cuộc đời của bác Lâu. Với tư cách sống lâu năm gần với bác, tôi trả lời rằng: Về con người bác có nhiều chuyện đáng kể, đáng viết mà nhà văn Trần Công Tấn đã nhiệt thành biên soạn cuốn Hà Văn Lâu - Người đi từ bến làng Sình. Đây là một cuốn sách hay, phong phú; cuốn sách nói nhiều về bác Lâu, nay tôi chỉ gói ghém bốn điều mà tôi ấn tượng:

Điều thứ nhất: Bác đã hết lòng vì sự nghiệp cách mạng và thủy chung với đất nước, với đồng đội. Con người sống có tình, có nghĩa và có dũng khí.

Điều thứ hai: Trong đời bác có một vết thương lòng, khi người chú ruột - tức là người thay thế cha để nuôi dưỡng bác, bị sát hại oan. Đây là sự nhầm lẫn đáng tiếc. Chính cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã an ủi, chia sẻ nỗi đau này với bác Lâu. Bác đã nén lòng lại và báo cáo với Đại tướng: “Dù sao chuyện cũng đã qua rồi, xin các anh cứ yên tâm, tôi sẽ tiếp tục làm tròn trách nhiệm của mình mà Đảng giao phó”.

Điều thứ ba: Đại tá Hà Văn Lâu là một trong ít người đại tá đeo quân hàm lâu nhất trong các sĩ quan quân đội ta. Suốt nhiều năm hoạt động với cấp hàm đó, bác Lâu vẫn bình thản lao vào công việc, không mang nặng ưu tư cá nhân để ảnh hưởng đến việc chung.

Điều thứ tư: Bác hết lòng yêu thương quý trọng vợ con và gia tộc. Một con người hiếu thảo.

Hôm nay vĩnh biệt nhà ngoại giao lão thành Hà Văn Lâu, tôi muốn nhắc đến sự cống hiến trọn đời của bác cho đất nước, làm đẹp cho dòng họ Hà Văn và cho quê hương làng Sình. Bác xứng đáng với tấm Huân chương Độc Lập hạng nhất mà Đảng và Nhà nước ta trao tặng.

Bác Lâu đã để lại một tài sản rất quý, đó không phải là tiền bạc, vật chất, mà chính là tài sản về lòng yêu nước, hiếu dân, tài sản về đạo làm người, tài sản về sự quý trọng quê hương và dòng họ.

Thiết nghĩ, các con cháu của bác cần ghi nhớ bài học đó cho đời mình.

Xin vĩnh biệt bác Sáu Lâu!

Đại sứ VŨ HẮC BỒNG
(Nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM)

Tin cùng chuyên mục