Vụ đậu phộng kém chất lượng: Phản ánh một đằng, kiểm tra một nẻo

Liên quan đến việc người dân thôn Tiền Phong (Trung Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình) phản ánh giống đậu phộng hỗ trợ dân nghèo kém chất lượng, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Minh Hóa lại đi kiểm tra tại thôn 2 Thanh Liêm.

>> Quảng Bình: Đậu phộng giống hỗ trợ người nghèo kém chất lượng

(SGGPO).- Liên quan đến việc người dân thôn Tiền Phong (Trung Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình) phản ánh giống đậu phộng hỗ trợ dân nghèo kém chất lượng, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Minh Hóa lại đi kiểm tra tại thôn 2 Thanh Liêm.

Trả lời với PV Báo SGGP, ông Đinh Trọng Yên, Phó Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Minh Hóa, đơn vị chủ đầu tư chương trình khẳng định hạt giống hỗ trợ đảm bảo chất lượng. Ông Yên nói: “Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Nhà nước, pháp luật, trước UBND huyện về chất lượng giống. Chứ đừng nghe vỉa hè, dân phản ánh như vậy không đúng. Dân là thiên lý, vạn lý”.

Ông Đinh Trọng Yên, Phó Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Minh Hóa

Liên quan đến việc báo chí và người dân phản ánh ở thôn Tiền Phong gieo 10 hạt giống đậu phộng được huyện cấp, chỉ nảy mầm 3 hạt, ông Yên xuống xã Trung Hóa nhưng không về với người dân thôn này xác định sản phẩm giống lại về thôn 2 Thanh Liêm sau đó làm một biên bản là hạt giống lên tốt, không có vấn đề gì.

Văn bản mà ông Yên đưa ra hoàn toàn không có con dấu của địa phương, ông Yên phân bua là hết giờ làm việc nên xã không đóng dấu. Ở thôn 2 Thanh Liêm xã Trung Hóa, một số người dân phản ánh người ta đi kiểm tra đậu phộng khi báo chí nêu là nơi có tỉ lệ nẩy mầm cao lại là giống đậu phộng địa phương vì dân thấy đậu phộng được cấp xấu quá mà không mạnh dạn sử dụng. Trước sự việc này, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa, ông Đoàn Ngọc Lâm cho biết, việc kiểm tra phản ánh của người dân như thế là không đúng bản chất vấn đề, phản ánh một đằng, kiểm tra một nẻo là không được.

Dân phản ánh một đằng, Phòng Nông nghiệp huyện Minh Hóa lại kiểm tra một nẻo.

Ông Yên một mực khẳng định: “Khi giao giống cho người dân, cán bộ chuyên môn của phòng lấy mẫu thử tỷ lệ nảy mầm của hạt giống đều cho kết quả nảy mầm từ 86 đến 100%”. Ông đánh giá giống đậu phộng L23 của doanh nghiệp tư nhân Tân Thành cung ứng đúng chất lượng, tiêu chuẩn. Tuy nhiên bao bì ở phần Cấp giống, Mã lô giống, ngày sản xuất, hạn sử dụng đều bị bỏ trống. Khi chất vấn, ông Yên nhất quyết khoát tay trả lời “không biết”.

Trong đề án hồ sơ mời thầu của Phòng Nông nghiệp huyện Minh Hóa ban hành, tại trang 31 về quy cách giống đậu phộng phải là giống SVL1 và L14 nhưng người dân lại nhận là giống đậu phộng L23, với mẫu mã bao bì hoàn toàn không ghi thông tin cụ thể theo quy định kiểm soát giống. Khi chạm đến việc này, ông Yên không trả lời mà bày tỏ quan điểm: “Chịu chịu chịu”. Chính cách làm việc này đang khiến người dân hưởng thụ giống, cây con từ ngân sách Nhà nước thiệt hại mà hạt giống thì không lên.

Trong chương trình hỗ trợ giống cho nông dân nghèo này, huyện Minh Hóa cũng trích ngân sách mua lợn, bò, gà, ngan, dê thì khá nhiều địa phương báo chết nhưng cán bộ nông nghiệp huyện làm ngơ. Đơn cử như tại xã rẻo cao Dân Hóa, ông Hồ Phước - cán bộ địa chính, nông lâm xã cho biết, được hỗ trợ 66 con dê giống, tuy nhiên sau khi nhận về đã có 9 con bị chết. Xã đã làm công văn gửi Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Minh Hóa nhưng chưa thấy phòng cử người về kiểm tra, giúp đỡ bà con.

Minh Phong

Tin cùng chuyên mục