Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-1931 – 26-3-2009)

Vượt lên chính mình

Vượt lên chính mình

Đó là những bạn trẻ tuy xuất thân từ những hoàn cảnh khác nhau, công việc khác nhau nhưng đều có chung ước mơ, ý chí phấn đấu, tinh thần vượt khó vươn lên và sống có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng xã hội…

1. Có năng khiếu vẽ, ước mơ của Nguyễn Phước Hậu (ảnh) là thi vào ĐH Kiến trúc TPHCM nhưng bất thành. Hậu vào học tại Cao đẳng bán công Công nghệ và Quản trị kinh doanh. Gia đình khó khăn, Hậu phải đi làm rẫy, đi bán mắt kính dạo, bán thiệp trên vỉa hè để kiếm tiền ăn học. Tốt nghiệp, Hậu làm cán bộ Đoàn phường nhưng phải kiếm sống bằng nghề “đụng” - giữ xe, bán mắt kính dạo, phụ hồ… Và rồi cơ duyên đã đến từ cái nghề kinh doanh bám vỉa hè ấy.

Vượt lên chính mình ảnh 1

Do khéo tay, Hậu đã tự thiết kế một số tấm thiệp và đem bán dạo, không ngờ hôm đó “cháy” hàng. Hậu sáng tạo thêm nhiều loại thiệp mới, có họa tiết bắt mắt làm từ những thứ tưởng chừng bỏ đi như cọng chổi, sợi dây thừng cũ, mảnh vải… Hậu bày thiệp ở lề đường khu Hàn Thuyên (quận 1) để bán và hàng lại tiếp tục bị “cháy”…

Ước mơ làm chuyện lớn của Hậu bắt đầu nhen nhúm. “Muốn làm ăn lớn, bạn hàng tin tưởng thì mình phải có tư cách pháp nhân” - Hậu tự nhủ và anh gom góp toàn bộ tiền tiết kiệm sau nhiều năm bán thiệp vỉa hè cùng với khoản tiền vay mượn bạn bè thành lập Công ty TNHH Mỹ thuật Thanh Nhã.

Nhiều đêm thức trắng cùng nhân viên để hoàn thành các hợp đồng làm thiệp lớn đúng hạn định, dần dà tên tuổi thiệp Thanh Nhã đã trụ vững ở thị trường. Sau khi có được thị phần đáng kể ở TPHCM và một số tỉnh, thành phía Nam, mặt hàng thiệp của công ty còn được xuất qua Nhật, Pháp, Thái Lan...

Năm nay 27 tuổi, Giám đốc Nguyễn Phước Hậu đã có một cơ ngơi đáng kể xuất phát từ điểm khởi đầu là hai bàn tay trắng.

2. Năm 2009, bước sang tuổi 27 nhưng Trần Thị Mỹ Linh vẫn đang là cô học sinh lớp 11 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) quận Tân Phú.

Lên 5 tuổi, Linh đã không nhìn rõ. Bác sĩ cho biết, Linh bị hư võng mạc, nếu đi học, tiếp xúc với chữ nhiều thì hai mắt càng nhanh bị mù. Nhưng Linh vẫn bày tỏ quyết tâm được đến lớp. Đến cuối lớp 6 thì cả hai mắt Linh luôn bị đau nhức, sức khỏe yếu, liên tục ngất xỉu trong lớp vì thêm chứng thiếu máu não.

Vì thế không chỉ bố mẹ kiên quyết mà bà con hàng xóm, ai cũng khuyên Linh không nên tiếp tục học. Linh đành chấp nhận nghỉ học, ở nhà phụ bố mẹ việc nhà, việc đồng. 15 tuổi, Linh theo một người quen từ Quảng Ngãi vào Biên Hòa (Đồng Nai) làm đủ thứ việc, từ bán báo dạo, rửa chén thuê ở tiệm cơm đến giúp việc nhà, trông trẻ chỉ cốt để tiếp tục nuôi ước mơ chữa mắt và đi học lại.

Vượt lên chính mình ảnh 2

Ngày ngày Linh vẫn chăm chỉ học bài để thực hiện ước mơ là một nhà tâm lý.

Tìm đến khám tại một bệnh viện ở TPHCM, bác sĩ cho biết, chi phí phẫu thuật mắt em là khoảng 11 triệu đồng. Niềm vui như lóe sáng, Linh lao vào làm thuê, sống thật tiết kiệm để mong có một ngày được lên bàn mổ.

“Em luôn tưởng tượng giây phút đôi mắt em được bình thường như mọi người, vì thế việc gì em cũng làm không biết mệt” - Linh tâm sự.

3 năm sau, Linh trở lại bệnh viện mang theo niềm hy vọng được sáng mắt. Sau 1 tuần nhập viện, kiểm tra, xét nghiệm, hồi hộp chờ đợi… Linh như chết lặng khi nghe bác sĩ kết luận: trường hợp của em là khuyết võng mạc bẩm sinh nên ở nước ta chưa đủ điều kiện phẫu thuật. Thất vọng, Linh lang thang vô định và rồi lạc vào một trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật.

Chứng kiến nhiều đứa trẻ bị mù bẩm sinh, không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng, Linh thấy mình vẫn còn nhiều may mắn. “Ngay buổi chiều hôm đó, em quyết định đăng ký vào học lớp 7 tại Trường Bổ túc văn hóa cụm 4 (Biên Hòa - Đồng Nai). Chỉ có học lấy cái chữ mới có thể giúp cho mình không trở thành gánh nặng của gia đình” - Linh tâm sự.

Khó khăn trăm bề vì vừa học vừa đi làm nuôi mình nhưng năm nào Linh cũng đứng nhất nhì lớp về học tập. Lớp 9, Linh chuyển lên học tại TTGDTX quận Tân Phú (TPHCM). Cũng trong năm học ấy, Linh đã đoạt giải nhất môn Sinh trong kỳ thi học sinh giỏi cấp TP.

Hiện Trần Thị Mỹ Linh vẫn thuê phòng trọ, đi làm và tiếp tục học văn hóa và sinh hoạt Đoàn tại TTGDTX quận Tân Phú với ước mơ sẽ là sinh viên khoa tâm lý tại Trường ĐHKHXH-NV TPHCM. “Em muốn trở thành một nhà tâm lý vì khi mắt em không còn nhìn thấy thì em vẫn có thể nghe và trao đổi, tư vấn” - Linh tâm sự.

3. Vừa đoạt giải đặc biệt hội thi “Tuổi trẻ làm theo lời Bác năm 2008” với công trình “Máy tính tặng bạn”, Nguyễn Ang Quốc Dũng (Đoàn TNCS Bưu điện TPHCM) và những đồng nghiệp trẻ của đội sửa chữa máy tính lại tiếp tục mày mò chuẩn bị xuất hàng cho một đợt máy tính mới hỗ trợ đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa.

Vượt lên chính mình ảnh 3

Nguyễn Ang Quốc Dũng tại phòng máy mới do Đoàn TNCS Bưu điện TPHCM tài trợ tại Trường Tiểu học Bình Khánh Đông (huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre).

Ý tưởng được đưa ra khi Dũng thấy nhiều máy tính từ cơ quan bị hỏng được gom bán đồ cũ rất phí. Anh đề xuất gom máy cũ lại, huy động lực lượng là đoàn viên thanh niên trong cơ quan sửa chữa, nâng cấp máy tính. Còn “đầu ra” cho số máy tính này, Dũng nghĩ ngay tới những bạn thanh niên ở các huyện ngoại thành, vùng nông thôn của các tỉnh xa còn gặp khó khăn.

Từ đó, công trình “máy tính tặng bạn” với những chiếc máy được sửa chữa, nâng cấp, lau chùi như mới, gắn tem “Đoàn TNCS Bưu điện TPHCM kính tặng” đầy nghĩa tình đã được chuyển đến những nơi khó khăn, kết nối ước mơ tiếp cận khoa học kỹ thuật cho những bạn trẻ ở vùng quê nghèo.

Mà đâu chỉ có vậy, đội xung kích của Đoàn Bưu điện TP còn mở nhiều lớp phổ cập vi tính cho những thanh niên nghèo. Có những bạn trẻ lần đầu được sử dụng vi tính cứ lóng nga lóng ngóng bên những thao tác cùng con chuột, bàn phím với sự hướng dẫn tận tình của những “thầy giáo trẻ”.

“Điều ấy càng làm chúng tôi vui hơn, cố gắng sửa được nhiều máy hơn nữa để có máy tặng những nơi còn khó khăn” - Dũng chia sẻ.

Đến nay, đội sửa chữa máy tính đã có quân số là 12 đội viên và hàng ngày, sau 8 tiếng làm việc ở công sở, họ vẫn dành chút thời gian cùng tìm về nhà kho của Bưu điện làm mới lại những máy vi tính bám bụi đen sì.

Ba năm nay, từ ý tưởng của Nguyễn Ang Quốc Dũng, Đoàn TNCS Bưu điện TPHCM đã tặng hơn 100 bộ máy vi tính, máy in cho các đoàn phường ở TP và các tỉnh thành khác.

T.THẢO – T.HỢP 

  • Trao giải thưởng 26-3 cho 78 Bí thư đoàn cơ sở

(SGGP). – Ngày 25-3, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-1931 – 26-3-2009) và trao Giải thưởng 26-3. Đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, cùng 78 gương mặt Bí thư Đoàn cơ sở tiêu biểu và hơn 700 đoàn viên, thanh thiếu niên trong cả nước đã về dự.

Tại buổi lễ, đồng chí Võ Văn Thưởng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, nhấn mạnh, mỗi cơ sở Đoàn phải đa dạng hóa các hình thức giáo dục để mỗi bạn trẻ hôm nay biết sống đẹp, sống có ích vì cộng đồng và xã hội. Tổ chức thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”.

Các cấp bộ Đoàn cần tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả 2 phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”.

Dịp này, Trung ương Đoàn đã trao Giải thưởng 26-3 cho 78 Bí thư Đoàn cơ sở xuất sắc. Trong đó có: Lý Thị Hương, dân tộc Tày, Bí thư Đoàn xã Nghiên Loan, Pắc Nặm, Bắc Kạn đã hỗ trợ đoàn viên thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, tổ chức cho thanh niên làm đường giao thông liên thôn, 5 căn nhà tặng gia đình chính sách; Hoàng Văn Tùng, Bí thư đoàn xã Hải Châu, Tĩnh Gia, Thanh Hóa thành lập được 13 đội an ninh xung kích bảo vệ thôn xóm; Trịnh Quốc Thẩm, Bí thư Đoàn Công ty TNHH Yujin Vina TPHCM, vận động chủ doanh nghiệp thành lập tổ chức Đoàn ở công ty 100% vốn nước ngoài với số lượng 115 đoàn viên…

- Ngày hôm qua, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm đã có thư chúc mừng TƯ Đoàn, các cấp bộ Đoàn cùng toàn thể cán bộ đoàn viên, thanh niên, thiếu niên trong cả nước

Vượt lên chính mình ảnh 4

Đại diện Đoàn TNCS quận 9 trao vốn cho thanh niên. Ảnh: TH.HỢP

- Cùng ngày, Quận đoàn 9 TPHCM đã tổ chức trao vốn hỗ trợ 38 thanh niên khó khăn trên địa bàn quận với tổng kinh phí là 237 triệu đồng (5-7 triệu đồng/người). Hưởng ứng Tháng thanh niên “Tuổi trẻ hoạt động vì an sinh xã hội”, đến nay Quận đoàn 9 đã hỗ trợ vốn cho 100 thanh niên khó khăn với tổng kinh phí trên 820 triệu đồng.

Cùng ngày, Thành đoàn TPHCM đã tổ chức lễ ra mắt Văn phòng Hỗ trợ thanh niên công nhân KCN Vĩnh Lộc. Văn phòng hoạt động vào giờ hành chính từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần. Tại văn phòng, công nhân sẽ được tư vấn miễn phí về pháp luật, tâm lý; được giới thiệu nhà trọ, việc làm…

Chiều 25-3, Quận đoàn Tân Bình đã tổ chức tọa đàm “Vai trò của tổ chức Đoàn trong hệ thống chính trị quận Tân Bình”.

Tại buổi tọa đàm, cán bộ, đoàn viên quận Tân Bình đã tập trung thảo luận về thực trạng hoạt động Đoàn ở cơ sở trong đó nhấn mạnh tổ chức Đoàn vẫn còn nhiều hạn chế và đề ra những biện pháp khắc phục khó khăn để đẩy mạnh hoạt động Đoàn trong giai đoạn hiện nay cũng như khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn trong hệ thống chính trị.

H.BÌNH - B.T.T. - T.HỢP

Tin cùng chuyên mục