Xác lập kỷ lục tăng trưởng xuất khẩu mới

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Cụ thể, nhiều tín hiệu cho thấy, xuất khẩu của cả năm sẽ vượt qua mốc 202 tỷ USD và có thể đạt hơn 210 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2016.
Sản xuất vỏ ô tô xuất khẩu tại Casumina Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất vỏ ô tô xuất khẩu tại Casumina Ảnh: CAO THĂNG
Nhiều ngành vượt kế hoạch
Theo Bộ Công thương, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu cao có thể kể đến là nhóm hàng nông sản, thủy sản; nhiên liệu, khoáng sản; công nghiệp chế biến... Trong đó, có điểm qua một số mặt hàng xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao như ngành gỗ cả năm ước đạt 7,6 tỷ USD (vượt mục tiêu Bộ Công thương đề ra là 7,5 tỷ USD); dệt may 31 tỷ USD (tăng 10,23% so với năm 2016); thủy sản 7,4 tỷ USD (tăng 6% so với năm 2016); nông sản 35 tỷ USD (có 10 nhóm ngành hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD)...
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, cho biết mặc dù năm 2017 được đánh giá là năm nhiều khó khăn với ngành, nhưng từ quý 2-2017 các doanh nghiệp đã nỗ lực vươn lên và đạt được kết quả đáng ghi nhận như trên. Bên cạnh đó, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017, còn phải kể đến việc doanh nghiệp trong nhiều ngành đã ứng dụng hiệu quả công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ các giải pháp cải cách quản trị doanh nghiệp, tinh giản hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động đã giúp cộng đồng doanh nghiệp tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, gia tăng giá trị hàng hóa và tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đánh giá về hoạt động xuất khẩu thủy sản trong năm qua, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản của Việt Nam vào các thị trường có sự biến động và chuyển dịch mạnh. Đơn cử, thị trường Mỹ có kim ngạch xuất khẩu thủy sản sụt giảm do một số mặt hàng vướng rào cản kỹ thuật và thuế chống bán phá giá như tôm, cá tra. Tuy nhiên, ngành thủy sản Việt Nam cũng đạt kim ngạch xuất khẩu cao ở một số thị trường khác, như Nhật Bản tăng 21,8%. Trong khi EU đang là thị trường số 1 của xuất khẩu thủy sản Việt Nam và nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Việt Nam tại Trung Quốc tăng mạnh. Mặt khác, khối lượng thủy sản xuất khẩu không tăng nhiều, nhưng xét về mặt giá trị thì tăng cao, cho thấy nhiều doanh nghiệp trong ngành thủy sản đã chú trọng chuyển hướng sang chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa. 
Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam đứng ở vị trí thứ 55 trên thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2016 và 20 bậc so với 5 năm trước. Theo WEF, Việt Nam đã có những cải thiện đáng chú ý về lĩnh vực công nghệ và hiệu quả của thị trường lao động, đã tạo động lực và thúc đẩy việc nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tương tự, Ngân hàng HSBC đánh giá nền kinh tế Việt Nam năm 2017 đã kết thúc tốt đẹp. Đồng thời là một năm đáng ghi nhận đối với lĩnh vực thương mại, khi đạt mức tăng trưởng xuất khẩu danh nghĩa trung bình trên 21% mỗi tháng. Con số này tăng gấp đôi mức trung bình của năm 2016, cũng cho thấy có thể kỳ vọng xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam sẽ tăng mạnh trong năm 2018.
Giữ vững vị thế tại thị trường lớn
Theo các doanh nghiệp Việt Nam, Mỹ không chỉ là thị trường khổng lồ và đa dạng, mà còn là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa luôn có xu hướng liên tục tăng. Trong năm 2017, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu các mặt hàng thực phẩm, nông sản của Việt Nam như thủy sản, điều, cà phê… Dự báo tăng trưởng xuất khẩu ngành thực phẩm của Việt Nam năm 2017 vào thị trường Mỹ sẽ đạt 11%. 
Bên cạnh thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU ước đạt hơn 30 tỷ USD trong năm 2017. Do đó, Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) thông qua vào đầu năm 2018, được nhận định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cán cân thương mại xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU nghiêng về Việt Nam nếu các doanh nghiệp Việt biết tận dụng tốt lợi thế xuất khẩu. Trong đó, những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA có thể kể đến là nông sản, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, dệt may, da giày... 
Với lợi thế khẳng định và giữ được vị thế tại các thị trường lớn như Mỹ, EU... hàng Việt có cơ hội xây dựng thương hiệu bền vững để tiến vào những thị trường khác trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Phân tích cụ thể, ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương, cho rằng EVFTA giúp doanh nghiệp Việt dấn sâu vào thị trường EU nhờ gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng hàng hóa và tăng kết nối giao dịch với quy mô lớn hơn; tăng trình độ quản trị của các nhà cung ứng dịch vụ tài chính phù hợp với thông lệ quốc tế; đa dạng hóa dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam; giảm chi phí logistics...
Để giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các rào cản và tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đại diện nhà bán lẻ đến từ Mỹ, ông Anthony Ho, Giám đốc cao cấp phụ trách mua hàng của Công ty Rhee Bros (Mỹ), cho biết Rhee Bros đã làm ăn, buôn bán với nhiều đối tác thuộc các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Ngoài các hợp đồng hợp tác xuất nhập khẩu hàng hóa, Rhee Bros còn cung cấp thông tin thị trường, giá cả hàng hóa, thị hiếu tiêu dùng… cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ. Hệ thống thu mua của Rhee Bros đã được mở rộng trên 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, nên có thể hỗ trợ các nhà xuất khẩu hàng hóa trực tiếp và tận dụng lợi thế mua hàng tận gốc, cũng như có khả năng cạnh tranh về giá cả.
Liên quan đến vấn đề triển khai các giải pháp duy trì đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2018 và những năm tiếp theo, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nhấn mạnh, bước sang năm 2018, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam sẽ được định hướng phát triển tập trung vào những mặt hàng có công nghệ trung bình và cao, chế biến sâu… Song song đó, tiếp tục cải cách công tác quản lý hành chính, rà soát những danh mục hàng hóa hạn chế và cấm xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu hướng vào mặt hàng tăng trưởng nhanh với giá trị lớn. Đặc biệt, tận dụng nguồn vốn FDI, nhưng cần tránh phụ thuộc, phải tạo được sự liên kết nguồn lực lao động và doanh nghiệp nội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp FDI.
Kim ngạch xuất khẩu của TPHCM ước đạt 35,2 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất hàng hóa của các doanh nghiệp TPHCM ước đạt 35,2 tỷ USD, tăng 15,1% (cùng kỳ tăng 5,2%). Một số mặt hàng xuất khẩu có mức tăng cao là: rau quả (20,3%); cao su (32,6%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (29,6%); phương tiện vận tải khác và phụ tùng (55,7%)... Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh vào các thị trường Singapore, Myanmar, Thái Lan...
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn TPHCM ước đạt 43,1 tỷ USD, tăng 13,2% (cùng kỳ tăng 12,4%). Các mặt hàng nhập khẩu nhiều từ các quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines... và ngành nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất như sản phẩm điện tử, linh kiện, kim loại...

Tin cùng chuyên mục